Ông Phan Hồng Đức (sinh năm 1949, tại Đình Phong Phú, Tăng Nhơn Phú B, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) 20 năm kêu oan, tố cáo hành vi “lợi ích nhóm” của UBND huyện Long Thành, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Long Thành và Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai trong việc không cấp quyền sử dụng đất sản xuất, biến thành đất “ao hoang” và trở thành đất rừng phòng hộ.
26 năm sang nhượng, sản xuất bỗng thành “ao hoang vô chủ”
Năm 1993, bà Nguyễn Thị Lệ Hoa đã khai phá trồng lúa 49ha đất, có đơn xin khai phá được xác nhận của UBND xã Long Phước, đóng thuế nông nghiệp cho xã Long Phước năm 1993; vị trí đất tại Tượng Rũ Bé, rạch Vàm Mặt Trời, ấp Phước Hòa - nay là ấp Tập Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Đến năm 1996, ông Đức đã nhận sang nhượng 02 lô đất của bà Nguyễn Thị Lệ Hoa cùng chồng là ông Đinh Trung Giáp. Tổng diện tích chuyển nhượng 49.000 m2, đầu tư sản xuất nuôi cua và tôm sú.
Để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, năm 2000 ông chuyển nhượng lại một phần đất khoảng 13.000m2 cho ông Nguyễn Phát Đạt.
Năm 2001, ông tiếp tục chuyển nhượng lại cho ông La Văn Lớn phần đất 10.500m2.
Còn lại diện tích khoảng 21.598m2 ông Phan Hồng Đức sử dụng để nuôi cua và tôm sú, trồng cây lâu năm.
Ngày 08/12/2005, ông Đức đăng ký quyền sử dụng đất với Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai và đo đạc được 4 thửa (42, 43, 47, 73), tổng diện tích là 20.053ha (868 +3.830 + 2.748 + 12.607 = 20.053ha).
Với phần diện tích còn lại trên 1.545ha (thửa số 72) gồm 02 ao nuôi tôm ông Đức đang cho ông La Văn Lớn mượn để dẫn nước và phục vụ sản xuất tôm nên chưa đăng ký trong đợt này.
Phải đến năm 2008, sau khi ông La Văn Lớn ngừng công việc nuôi tôm ở đây và phần đất này ông La Văn Lớn đã giao trả lại cho gia đình ông Đức sử dụng.
Vụ việc chỉ vỡ lở vào năm 2016, UBND huyện Long Thành cùng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Long Thành cấp giấy chứng quyền sử dụng phần đất mà ông La Văn Lớn mua của ông Phan Hồng Đức (thửa số 72).
Riêng phần đất ông La Văn Lớn mượn của ông Đức để phục vụ sản xuất, do ông Lớn đã trả lại cho ông Đức, không có khiếu nại nên Ban Quản lý Rừng phòng hộ Long Thành cũng cho rằng “ao hoang vô chủ” nên gộp chung đăng ký và cũng được hợp thức cấp quyền sử dụng vào năm 2016.
Ngày 26/10/2016, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ phần đất của ông Đức đang sử dụng ổn định. Tuy nhiên, đến ngày 14/6/2017 lại tiếp tục hướng dẫn ông Đức kê khai lần 02 phần đất đang sử dụng.
Dù chưa từng đặt chân vào khu đất “ao hoang” nhưng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Long Thành lại được Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hiệu CE 201600, tổng diện tích 21,05ha (phần đất sản xuất của ông Đức).
Đến nay, ông Đức vẫn không được cấp giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều đáng nói, toàn bộ diện tích có giấy biên nhận nộp hồ sơ đăng ký đã bị đưa vào diện “ao hoang vô chủ” để sau đó Ban Quản lý Rừng phòng hộ Long Thành đăng ký quyền sử dụng trên giấy được cấp.
Cuộc sống của gia đình ông Đức đã kiệt quệ về kinh tế nay lại phải đối mặt với nỗi lo mất trắng đất sản xuất sau 26 năm sang nhượng, tôn tạo, sản xuất.
Nỗi lo ấy còn day dứt hơn khi 20 năm làm đơn tố cáo, kêu oan nhưng ông Đức vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi hay đại diện chính quyền địa phương giải quyết chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả để tiếp tục đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.
Quả bóng “trách nhiệm” thuộc về ai?
Ngày 12/11/2021, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, ông Lê Văn Tiếp có Văn bản số 12722/UBND-NC với nội dung: Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Long Thành được Sở Tài nguyên & Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CE 201600 ngày 26/10/2016.
Việc cấp không do thẩm quyền của UBND huyện Long Thành trong đơn tố cáo nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện Long Thành, vì Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Long Thành trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai.
Chủ tịch huyện cho biết thêm: “Đơn tố cáo của ông Phan Hồng Đức nói rằng UBND huyện Long Thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CE 21600 cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Long Thành là không có cơ sở”.
Về phía lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai đã không giải quyết đơn tố cáo của ông Đức.
Ông Đức cho rằng, tỉnh Đồng Nai đã bao che cho Sở Tài nguyên & Môi trường.
Vậy là, quả bóng “trách nhiệm” cứ thế lăn qua, đá lại trên 20 năm qua mà không có một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm hay giải quyết vấn đề của gia đình ông Đức. Có hay không lợi ích nhóm trong việc “hô biến” mục đích sử dụng đất này?
Hiện nay, đơn tố cáo chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai phạm của ông Đức ở ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành đã được gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nội dung vụ việc!
Link nội dung: https://biztoday.vn/hon-215ha-dat-bong-hoa-ao-hoang-trai-bong-trach-nhiem-20-nam-chua-ai-nhan-341540.html