Kể từ khi đưa quân vào Ukraine vào ngày 24-2, Nga hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm cô lập Moscow khỏi nền kinh tế toàn cầu, tước đi quyền tiếp cận hàng hóa của nước này bao gồm thiết bị điện tử thương mại, chất bán dẫn và các bộ phận máy bay. Nga chịu khoảng 10.000 hạn chế, trở thành nước bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.
Trong cuộc họp Hội đồng Phát triển Chiến lược và Các dự án Quốc gia hôm 18-7, Tổng thống Putin thừa nhận Nga không thể phát triển nếu bị tách rời khỏi thế giới nhưng khẳng định Moscow không bị cô lập.
Ông Putin khẳng định: "Trong thế giới hiện đại, không thể lập hàng rào khổng lồ nhằm quây kín một quốc gia. Đó là điều bất khả thi".
Tổng thống Putin khẳng định những nỗ lực cô lập Nga khỏi phần còn lại của thế giới là không khả thi. Ảnh: AP
Ông Putin nói: "Nga bị cấm cản gần như hoàn toàn trong tiếp cận sản phẩm công nghệ cao của nước ngoài. Đây là thách thức lớn. Thế nhưng, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc hay bối rối, hay như một số "người tốt bụng" nhận định là Nga sẽ đi lùi hàng chục năm. Tất nhiên là không. Ngược lại với những khó khăn to lớn mà nước Nga đang phải đối mặt, chúng tôi sẽ tích cực tìm kiếm các giải pháp mới, sử dụng hiệu quả nguồn dự trữ công nghệ hiện có và sự phát triển của các công ty trong nước".
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố nước này sẽ phải phát triển công nghệ nội địa và tự xây dựng các doanh nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng nhấn mạnh ưu tiên hỗ trợ cho lĩnh vực công nghệ của Nga. Tuy nhiên, Bộ trưởng Anton Siluanov cho rằng mỗi rúp hỗ trợ của nhà nước phải đi kèm với ít nhất ba rúp của đầu tư tư nhân. Theo tờ The Moscow Times, nhiều công ty công nghệ hàng đầu bao gồm Apple, Microsoft và Intel đã đình chỉ hoạt động ở Nga hoặc rời khỏi Nga hoàn toàn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay robot tại một doanh nghiệp viễn thông. Ảnh: Sputnik
Cũng trong ngày 18-7, kênh truyền hình Al-Jazeera đưa tin các bộ trưởng ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow đang có hiệu quả, mặc dù chúng cũng đe dọa nguồn cung cấp năng lượng của EU.
Tuy nhiên, Giám đốc bộ phận chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói với các phóng viên: "Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã nói rằng các lệnh trừng phạt là... một sai lầm".
Tương tự, vào tuần trước, thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo các biện pháp trừng phạt Nga giống như bom hạt nhân, có thể phản tác dụng khiến EU "gậy ông đập lưng ông".
Trước đó, đầu tháng 7, Tổng thống Putin tuyên bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ gây ra tổn thất lớn hơn cho những quốc gia áp đặt chúng.
Ông Putin xem các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga như một lời tuyên chiến kinh tế. Ông Putin cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây cũng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Tổng thống Putin có mặt tại thủ đô Tehran của Iran vào ngày 19-7. Ông sẽ gặp các lãnh đạo của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại đây để bàn về các quan hệ song phương, vấn đề Syria và Ukraine.
Thông tin này được đưa ra sau khi tài liệu tình báo Mỹ cho biết Iran sẽ cung cấp hàng trăm máy bay không người lái cho Nga.
Đây được xem là chuyến công du nước ngoài lần thứ hai của nhà lãnh đạo Nga kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, sau chuyến thăm Tajikistan và Turkmenistan vào cuối tháng 6.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tong-thong-putin-phuong-tay-khong-the-co-lap-nga-341979.html