Agribank là ngân hàng 100% vốn nhà nước, được cho phép cổ phần hóa từ năm 2007. Đến năm 2008 - 2009 xảy ra khủng hoảng tài chính nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất với Chính phủ dừng lại việc cổ phần hoá.
Năm 2013, để khởi động lại cổ phần hóa, Agribank thực hiện Đề án tái cơ cấu chia làm 2 giai đoạn: 2013 – 2015 và 2016 – 2020.
Năm 2014, Thanh tra Chính phủ ra Thông báo Kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Agribank. Thông báo nêu rõ, qua thanh tra cho thấy, hoạt động của Agribank thời gian qua còn để xảy ra nhiều khuyết điểm trong nhiều lĩnh vực, như hoạt động tín dụng, đầu tư tài chính, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa, đầu tư xây dựng và buông lỏng quản lý.
Năm 2022 là tròn 15 năm Agribank “hô hào” cổ phần hóa nhưng đến nay ngân hàng này vẫn chưa thực hiện được. |
Cũng qua thanh tra cho thấy, hoạt động đầu tư tài chính của Agribank có nhiều vi phạm, không hiệu quả, trong đó có trường hợp vi phạm nghiêm trọng, mất vốn lớn hoặc nguy cơ thiệt hại lớn. Năm 2009, các công ty con 100% vốn đầu tư của Ngân hàng này lỗ 1.782 tỷ đồng, năm 2010 lỗ 4.393 tỷ đồng. Đáng lưu tâm là hai công ty cho thuê tài chính ALCI và ALCII có nhiều vi phạm nghiêm trọng, lỗ lớn và mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu. Trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng vi phạm ở nhiều khâu với số tiền sai phạm lớn…
Năm 2017, Agribank lại khởi động cổ phần hoá một lần nữa. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Tuy nhiên, hàng loạt vướng mắc pháp lý liên quan đến đất đai, pháp lý tại các chi nhánh đã được các đoàn kiểm tra, thanh tra từ Bộ, ngành xuống tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa gỡ xong.
Ngày 15/8/2019,Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2019, Agribank nằm trong danh sách các doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc cổ phần hoá vẫn chưa được thực hiện do chưa giải quyết được các vấn đề liên quan định giá tài sản là đất, tài sản gắn liền trên đất thuộc sở hữu của Nhà nước.
Theo Agribank, vướng mắc lớn nhất của ngân hàng trong cổ phần hóa là vấn đề đất đai vì lý do tính tới ngày 31/8/2021, vẫn còn 80 cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt do nguồn gốc đất đai có từ lâu đời, lịch sử sở hữu phức tạp.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, nguyên nhân là các doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa hầu hết là các doanh nghiệp lớn, tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai và một số cơ chế, chính sách được ban hành, sửa đổi, hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn, nhất là trong lĩnh vực đất đai khiến doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.
"Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chậm và chưa tốt; Một số quy định còn chưa thật rõ ràng và linh hoạt cũng khiến các địa phương “ngại” phê duyệt phương án sử dụng đất...", ông cho biết.
Bên cạnh những vướng mắc về đất đai, lý do khiến Agirbank chậm cổ phần hóa cũng liên quan đến tình hình xử lý các khoản nợ phải thu liên quan đến đầu tư tài chính, góp vốn vào doanh nghiệp khác. Trong đó có một số công ty 100% vốn của Agribank đã được Thanh tra Chính phủ chỉ tên trong Kết luận thanh tra năm 2014.
Trao đổi với báo chí, PGS - TS Ngô Trí Long từng đánh giá, việc chậm cổ phần hóa, tăng vốn khiến trong hơn 10 năm qua “Agribank mất 1 thì nhà nước mất 10”. Tuy nhiên, đến nay ngân hàng này vẫn đang loay hoay để tiến hành cổ phần hoá.
Link nội dung: https://biztoday.vn/sau-15-nam-agribank-van-chua-the-co-phan-hoa-342851.html