Tiên Du Bắc Ninh: Núi Na bị băm nát

Khi ngọn núi đang bị “xẻ thịt” bởi những công trình dạng biệt phủ, thì những gì mà địa phương đưa ra chỉ là các biện pháp ngăn chặn từ mấy tháng trước?

Từ tỉnh lộ 429, phóng tầm mắt về phía núi Na (xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh), người ta dễ dàng nhìn thấy những công trình xây dựng to lớn, góc cạnh mọc sừng sững trên đỉnh núi, phá nát màu xanh rậm rì của rừng cây.

Người dân địa phương cho hay, trước đây, khu vực núi Na là đất lâm nghiệp xen lẫn đất quốc phòng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, nhiều thửa đất tại khu vực đó được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở nông thôn, đất vườn. Kéo theo đó, những người có tiền từ nơi khác đến mua đất, san gạt, đào hồ, xây dựng biệt phủ mà không cần bất cứ sự cho phép nào của chính quyền địa phương.

mot-cong-trinh-quy-mo-nhu-khu-nghi-duong-thu-nho-1658371120.jpg
Một công trình quy mô như khu nghỉ dưỡng thu nhỏ

Khoét núi, mở đường

Ở đây giống như một công trường xây dựng rầm rộ. Người ta ngang nhiên đào núi, chuyển đá, chặt cây, múc đường, hạ nền...

Khu vực xây dựng biệt phủ núi Na, PV không khỏi bất ngờ trước sự tàn phá thiên nhiên, bất chấp pháp luật về xây dựng, đất đai và khoáng sản tại đây.

Từ chân núi ngược lên, dọc theo con đường nhỏ được đổ bê tông là những công trình xây dựng quy mô theo dạng biệt phủ, khu nghỉ dưỡng. Ví dụ, thửa đất của ông V ở sát chân núi đã được đào, san gạt, xây tường bao bằng đá cao đến trên dưới 5m. Phía trên là công trình của ông K được xây trên diện tích gần 32.000m2 với hai tòa nhà (ước chừng 300m2/nhà), bể bơi, hồ cá, khu vườn cây cảnh. Vào phía trong, biệt thự của ông M đang trong quá trình hoàn thiện. Đối diện là khu nghỉ dưỡng đã hoàn thành của một người khác ở thành phố Bắc Ninh.

Không khó để phát hiện một đầu máy lớn đang dùng mũi khoan đục khoét núi Na. Từng tảng đá và mảng đất đổ ra như núi Na đang "chảy máu". Gần đó, một ngôi mộ chưa được di dời vẫn nằm trơ trọi. Người dân cho biết, chủ thửa đất đang tiến hành cải tạo, hạ nền để dựng biệt thự trong thời gian tới.

nui-na-bi-khoet-1658371120.jpg
Núi Na bị khoét

Theo khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013, một trong những hành động trái pháp luật là việc hủy hoạt đất khiến cho địa hình nơi đó bị biến dạng và có khả năng gây ra tình trạng ô nhiễm, làm chất lượng đất bị suy giảm; Đồng thời, theo các quy định của pháp luật, phân quyền để cấp giấy phép san gạt, hạ độ cao là UBND cấp huyện trở lên.

Tuy nhiên, các quy định này liệu có bị phớt lờ hoặc cố ý làm trái tại xã Hiên Vân?

Cố ý làm trái?

Thửa đất số 215 tờ bản đồ số 12 của gia đình ông Phạm Hồng Quang (thôn Kiều, xã Hiên Vân, vị trí bên phải con đường đi lên “xóm biệt phủ” tại núi Na) có diện tích 3.770m2 vốn là một góc núi, cao độ dương hàng chục mét, địa hình dốc.

bien-ban-cua-uy-ban-nhan-dan-xa-hien-van-1658371225.jpg
Biên bản "đồng ý" của UBND xã Hiên Vân, cho phép hộ dân san gạt, hạ độ cao

Tháng 2/2022, UBND xã Hiên Vân có biên bản họp và xét đơn của gia đình ông Quang về việc “cho phép san gạt để lấy mặt bằng xây dựng nhà ở và các công trình khác”. Bằng biên bản này, UBND xã Hiên Vân xét thấy việc san gạt, hạ độ cao của ông Quang là “chính đáng”, do đó đã cho phép gia đình ông thực hiện, kèm theo yêu cầu là không vận chuyển đất đá đi nơi khác.

Bằng biên bản làm việc của UBND xã Hiên Vân, hộ ông Phạm Hồng Quang coi như đã nhận được “giấy phép” và tiến hành san gạt, hạ độ cao trong nhiều tháng. Đáng chú ý, người dân phản ánh có hiện tượng vận chuyển lượng lớn đất đá ra khỏi phạm vi thửa đất tuy nhiên chính quyền địa phương chỉ phản ứng "yếu ớt" bằng công văn yêu cầu “thực hiện nghiêm túc các nội dung trong biên bản làm việc ngày 17/2/2022”.

Hiện tại, khu vực này chỉ còn là một bãi đất tan hoang. Vỉa núi bị đào sâu hàng chục mét, đất đá bị san gạt bừa bãi, một góc núi đã biến mất. Hộ gia đình ông Quang không có dấu hiệu xây dựng công trình. Ngược lại, thông tin của các “cò đất” cho hay, ông Quang đang muốn bán thửa đất với giá 5 triệu/m2.

Thửa đất của bà T nằm sâu trong lòng núi, khi nhận được thông tin phản ánh về dấu hiệu xâm phạm đường dân sinh, PV có mặt, đang có một máy xúc hoạt động phá đá, đào đất, san gạt mà không gặp bất cứ sự ngăn cản nào của lực lượng chức năng. Đáng chú ý, tại thửa đất này vẫn tồn tại một phần mộ, máy xúc đào xới xung quanh để trơ trọi nơi an nghỉ của người đã khuất.

khu-vuc-thua-dat-nha-ba-t-1658371251.jpg
Khu vực thửa đất nhà bà T

Tiếp nhận thông tin là ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hiên Vân. Ông Ngọc cho rằng nhân sự của xã mỏng nên không quản lý hết được các vi phạm xảy ra tại núi Na. Chủ tịch UBND xã Hiên Vân hứa hẹn sẽ cử cán bộ chuyên môn xác minh thông tin mà phóng viên cung cấp, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Thời gian sau khi trở lại thửa đất nói trên, bất chấp lời hứa của chủ tịch xã, việc hạ độ cao và san gạt đã hoàn thành. Có vị trí, vách núi bị đào khoảng 4 mét. Đất đá được san gạt thành 3 tầng, sẵn sàng cho việc xây dựng. Hoàn toàn không còn dấu hiệu của con đường dân sinh.

Vi phạm đến đâu, xử lý đến đó

Cuối tháng 5/2022, PV đã có buổi làm việc với đại diện UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) về hiện tượng hạ nền trái phép, dấu hiệu vận chuyển khoáng sản và trách nhiệm của chính quyền liên quan đến các công trình tại thôn Hiên Ngang (xã Hiên Vân).

Ông Nguyễn Trọng Thịnh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Du hừa nhận, huyện Tiên Du đã nắm được sự việc xảy ra tại thôn Hiên Ngang và có những chỉ đạo xử lý. Theo ông Thịnh: “Theo luật hiện hành, kể cả việc hạ độ cao và san gạt trong khuôn viên thửa đất cũng phải báo cáo xin phép. Đồng thời, việc vận chuyển tận thu khoáng sản phải được cấp phép theo Luật Khoáng sản. Trong trường hợp xảy ra tại thôn Hiên Ngang, chính quyền đã có sự sơ sót”.

Lý giải cho sự “sơ sót” của chính quyền, ông Thịnh nói: “Hầu hết việc hạ độ cao, san gạt đều được tiến hành trong nội bộ thửa đất. Xung quanh thửa đất thì người dân xây tường rất cao nên chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện để ngăn chặn”.

Vị đại diện của UBND huyện Tiên Du cũng hứa hẹn thời gian tới, huyện sẽ thiết lập hồ sơ, xử lý các vi phạm và báo cáo các cấp. “Tinh thần là vi phạm đến đâu, xử lý đến đó”, ông Nguyễn Trọng Thịnh khẳng định.

Liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Tiến Tài (Bí thư Huyện ủy Tiên Du) về những dấu hiệu vi phạm nói trên và được thông tin: “Anh nói anh Ngọc kiểm tra việc này và xử lý nghiêm theo pháp luật”.

Link nội dung: https://biztoday.vn/tien-du-bac-ninh-nui-na-bi-bam-nat-343290.html