Việc sửa đổi Luật Đất đai đã được đề cập tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Khóa XIII)
Đây chính là “điểm tựa” để Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Điểm mới đột phá là bỏ khung giá đất
Tuần qua, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Khóa XIII) đã được Bộ Chính tri, Ban Bí thư tổ chức, kết nối đến hơn 11.000 điểm cầu. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề về Nghị quyết 18-NQ/TW “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Thủ tướng nhấn mạnh, Trung ương đã phân tích, đánh giá và thống nhất cao về các giải pháp, chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, trọng tâm là “sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới”.
Đây cũng là công việc rất khó được cơ quan lập pháp đặc biệt quan tâm. Bởi, việc sửa đổi Luật Đất đai được điều chỉnh lùi tới lần thứ tư, rồi chốt lại là lùi từ kỳ họp thứ ba sang kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XV cũng là để chờ “Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi”.
Giới thiệu Nghị quyết 18-NQ/TW, người đứng đầu Chính phủ đã nêu nhiều điểm mới trong chủ trương của Đảng để phát huy tối đa nguồn lực đất đai, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết khẳng định, quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai là: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
“Điểm mới của Nghị quyết lần này là làm rõ hơn vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và nội hàm, ý nghĩa của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời đặt ra yêu cầu mới phải công khai, minh bạch và trách nhiệm phải giải trình trong thu hồi đất”, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi.
Những điểm mới khác được Thủ tướng đề cập, phân tích còn liên quan đến chất lượng công tác quy hoạch, tài chính đất đai, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất... từng được đề cập không ít ở nghị trường.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, điểm mới đột phá là bỏ khung giá đất. “Thảo luận đi thảo luận lại từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, cuối cùng cũng phải thống nhất bỏ khung giá đất. Đồng thời, yêu cầu có các cơ chế, phương pháp, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường và quy định chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan xác định giá đất, đạo đức các thành viên, xây dựng tiêu chí, quy trình, kiểm tra, giám sát các địa phương. Yêu cầu hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định kiểm tra, giám sát, thực hiện giá đất”, Thủ tướng nói.
Đề cao hoàn thiện thể chế, chính sách
Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, điểm mới rất quan trọng là Nghị quyết 18-NQ/TW đã xác định đất đai là một nguồn lực quan trọng, trở thành động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Về giải pháp, ông Hiếu nhận xét, việc hoàn thiện thể chế, chính sách được đề cao với một mục riêng tại Nghị quyết 18-NQ/TW (Mục 2: Hoàn thiện thể chế, quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), gồm 8 nội dung với nhiều điểm mới.
Một trong những điểm được ông Hiếu cho là rất mới, đó là xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Yêu cầu cụ thể là bổ sung các quy định về đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ, đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ, đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh. Quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.
“Chính sách này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy rất nhiều cho sản xuất, kinh doanh, là cơ hội để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, hài hòa lợi ích cho cả người sử dụng đất và doanh nghiệp”, ông Hiếu nhìn nhận.
Tiếp tục nhìn ở góc độ hài hòa lợi ích, ông Hiếu nhìn nhận, những điểm mới trong cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ rộng đường hơn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. “Người nông dân sẽ có điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa và doanh nghiệp có thể phát triển với quy mô lớn hơn”, ông Hiếu nhận định.
Vẫn trong giải pháp về thể chế, liên quan đến các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Nghị quyết 18-NQ/TW yêu cầu cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Ở điểm mới này, ông Hiếu cho rằng, xét về lợi ích quốc gia, quy định này sẽ hạn chế các địa phương chạy theo tư duy nhiệm kỳ, đặt nhiều trọng tâm thu ngân sách qua việc cho thuê đất. Nhưng khi thể chế hóa thành luật thì phải tính toán cả bài toán lợi ích của doanh nghiệp, vì kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thường là dài hạn. “Vì thế, cần phải đánh giá tác động rất đầy đủ của chính sách này khi sửa Luật Đất đai”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Khẳng những định hướng của Nghị quyết 18-NQ/TW chính là “điểm tựa” cho việc sửa đổi Luật Đất đai, song từ kinh nghiệm thực tiễn, đại biểu - doanh nhân Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, việc thể chế hóa các điểm mới cần được tiến hành hết sức thận trọng.
Chẳng hạn, yêu cầu công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt... thì có thể luật hóa được ngay. Nhưng với một số chủ trương mới khác, trong đó có khung giá đất, bà Hiền cho rằng, cần có thời gian thí điểm.
“Thủ tướng có nói, điều gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì trên cơ sở đó sẽ luật hóa; cái gì chưa chín, chưa rõ, chúng ta đặt ra đưa vào thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi mở rộng dần”, đại biểu Trần Thị Hiền trao đổi.
Hiện tại, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được công bố lấy ý kiến nhân dân. Nhưng quá trình góp ý xây dựng Dự thảo, phương án được tính đến là cùng với bỏ quy định khung giá đất của Chính phủ, sẽ sửa đổi quy định về bảng giá đất và giá đất cụ thể và hội đồng thẩm định giá đất.
Phương án quy định UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện cũng đã từng được đặt ra trong các cuộc thảo luận.
Theo dự kiến, trong phiên họp tháng 9/2022, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư (khai mạc ngày 20/10/2022).
Không hợp thức hóa cái sai
Nêu thực tế qua kiểm tra các dự án có sai phạm còn tồn đọng rất nhiều, nhưng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, không thể hợp thức hóa cái sai này, mà phải tìm cơ chế, chính sách để xử lý cho phù hợp với tình hình thực tế. Đây là vấn đề đang đặt ra và Chính phủ đã giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách xử lý.
“Xử lý tồn đọng thế nào? Tinh thần là không hợp thức hóa cái sai, nhưng phải tìm cơ chế, chính sách hóa giải làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế, hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Link nội dung: https://biztoday.vn/diem-tua-sua-doi-luat-dat-dai-345709.html