Theo bản tin cập nhật nhanh về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 của CII, trong nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty mẹ ước đạt hơn 700 tỷ đồng, tương đương 93% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm 2022.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh khả quan, tình hình trả nợ trái phiếu của Công ty mẹ cũng đang có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ trái phiếu của Công ty mẹ là 7.342 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty đã thanh toán 350 tỷ đồng tiền lãi trái tức và 870 tỷ đồng nợ gốc, đưa tổng dư nợ trái phiếu về 6.470 tỷ đồng vào cuối quý II/2022. Theo đó, nghĩa vụ gốc trái phiếu đến hạn đến cuối năm 2022 chỉ còn khoảng 200 tỷ đồng và với nguồn tài chính dự kiến, Công ty có kế hoạch tiếp tục thanh toán nợ gốc trái phiếu khoảng 2.800 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023 để đưa số dư trái phiếu đến cuối năm 2023 xuống khoảng 2.300 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng nợ vay của CII có xu hướng liên tục gia tăng, đặc biệt là các khoản nợ vay trái phiếu trong bối cảnh dòng tiền đáp ứng nhu cầu đầu tư lớn, nhưng dòng tiền kinh doanh âm hoặc thặng dư không đủ để đáp ứng.
Riêng tại Công ty mẹ, năm 2020, trong khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1.375,9 tỷ đồng, thì dòng tiền hoạt động đầu tư cũng âm 2.295,6 tỷ đồng. Công ty phải tăng vay nợ ròng thêm 3.850 tỷ đồng để tài trợ. Trong đó số dư các khoản nợ gốc trái phiếu phát hành tăng ròng thêm 2.231 tỷ đồng.
Năm 2021, tình hình có phần khả quan hơn khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1.496,7 tỷ đồng, còn dòng tiền hoạt động đầu tư thặng dư 502 tỷ đồng, theo đó dòng tiền vay nợ ròng tăng thêm 1.089 tỷ đồng. Số dư các khoản nợ gốc trái phiếu phát hành tăng ròng thêm 151 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, báo cáo tài chính Công ty mẹ ghi nhận số dư nợ vay ngắn và dài hạn lên đến 12.766,6 tỷ đồng, chiếm 78,7% cơ cấu nguồn vốn, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên đến 4,1 lần.
Hệ quả là chi phí lãi vay ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong cấu trúc chi phí của Công ty. Nợ vay lớn không chỉ gây áp lực dòng tiền trả nợ, mà còn khiến chi phí lãi vay bào mòn đáng kể lợi nhuận. Trong năm 2021, chi phí lãi vay hạch toán trên báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty mẹ lên đến 1.262 tỷ đồng tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Hợp nhất kết quả kinh doanh của các đơn vị thành viên, chi phí lãi vay gấp 1,37 lần lợi nhuận gộp tạo ra. Mặt khác, việc tăng vay nợ kéo dài nhiều năm khiến áp lực trả nợ khi đến hạn trong thời gian tiếp theo của Công ty cũng ở mức cao, gây rủi ro về dòng tiền. Trong bối cảnh đó, từ cuối năm 2021 đến nay, CII đã liên tục có những động thái giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty con.
Cụ thể, ngay đầu năm 2022, Hội đồng Quản trị CII đã thông qua việc bán hết hơn 44,3 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ với mục đích phục vụ nhu cầu tài chính của Công ty. Sau đó, Công ty đã thực hiện 2 đợt bán cổ phiếu quỹ, bán được hơn 12,5 triệu cổ phiếu và thu về khoảng 414 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm nay, CII đã bán tổng cộng 16,3 triệu cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy, giảm lượng nắm giữ xuống 49,1 triệu cổ phần (tỷ lệ 49%). Trước đó vào cuối năm 2021, CII cũng liên tiếp bán ra khoảng 25,4 triệu cổ phiếu NBB. Đầu tháng 6/2022, CII tiếp tục thông báo đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu NBB trong thời gian từ ngày 6/6 đến ngày 5/7. Nếu hoàn tất, CII sẽ giảm sở hữu tại Công ty Năm Bảy Bảy xuống 39%.
Vào cuối tháng 3/2022, HĐQT CII tiếp tục thông qua Nghị quyết về việc chấp thuận thoái vốn tại một công ty con khác là Công ty Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII), doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xử lý nước sạch mà Công ty đang nắm giữ 50,6% vốn.
Việc giảm sở hữu tại các công ty này tuy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của CII trong dài hạn, bởi phần lợi nhuận được phân phối của cổ đông CII tại các công ty đã thoái vốn cũng giảm tương ứng, nhưng ngược lại sẽ giúp cải thiện dòng tiền cho Công ty và việc bán cổ phiếu quỹ, thoái vốn được đánh giá tạo ra nguồn lực tài chính đáng kể cho hoạt động mua lại trái phiếu.
Sau giai đoạn đẩy mạnh đầu tư, dòng tiền của CII cũng được kỳ vọng cải thiện trong thời gian tới, nhất là sau khi Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bắt đầu triển khai thu phí. Đây là dự án cao tốc dài dài 51 km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, có lưu lượng phương tiện lưu thông cao do trên trục cao tốc kết nối TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đối với các dự bán BOT giao thông khác của CII, lưu lượng phương tiện năm nay cũng dự báo tăng trưởng cao trên mức nền thấp của năm 2021, giúp gia tăng hiệu quả thu phí của các dự án.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ap-luc-du-no-trai-phieu-cua-cii-giam-dan-345907.html