Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. |
Đây được xem là biện pháp mạnh tiếp theo của cơ quan Thuế bởi ròng rã từ năm 2017, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan xác định nghĩa vụ tài chính và ban hành thông báo thu, truy thu tiền thuê đất đối với Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực đôn đốc, vận động đơn vị này mới nộp cho cơ quan Thuế số tiền vài chục tỷ đồng. Bất đắc dĩ, cuối năm 2021, Cục Thuế Hà Nội đã ra thông báo phong tỏa tài khoản và thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đối với Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình không chỉ “nổi tiếng” liên quan đến vụ việc chây ỳ nợ thuế mà vào tháng 6-2021, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận về việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại đơn vị này trong giai đoạn 2009 - 2018.
Nhìn thẳng thực tế, sai phạm xảy ra tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cần sớm được xử lý triệt để, cũng như cần chỉ rõ cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm, tránh để vi phạm kéo dài, gây thất thoát tài sản công và gây bức xúc dư luận. Trong khi đó, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các nghĩa vụ chấp hành quy định của Luật này và pháp luật có liên quan, bảo đảm sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao... Ngoài ra, dư luận đặt câu hỏi, cơ chế giám sát của cơ quan quản lý trực tiếp và cộng đồng đã bị buông lỏng? Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định cơ chế giám sát của cộng đồng đối với tài sản công do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công...
Vấn đề đặt ra sau quyết định cưỡng chế nợ thuế lần này của cơ quan Thuế nếu không khả thi, thì cần cương quyết thực hiện các biện pháp theo đúng quy trình cưỡng chế nợ thuế của Tổng cục Thuế như: cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ; cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập... Có như vậy mới đảm bảo công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế, không phân biệt xử lý giữa tài sản công với tài sản của doanh nghiệp tư nhân.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nui-no-o-san-my-dinh-346325.html