Chây ỳ nợ tiền thuế phí
Không chỉ cho thuê nhà xưởng trái phép, 2 công ty trên còn nợ tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp trong hàng chục năm, phớt lờ các quy định pháp luật. Cụ thể, từ năm 2015, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng SDN (chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Liên Chiểu và khu công nghiệp Hòa Khánh Mở Rộng) đã khởi kiện Công ty TNHH Cáp điện Việt Á và Công ty cổ phần ECICO ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam.
Ngày 23/12/2015, Trung tâm trọng tài đã có phán quyết cuối cùng của đối với vụ tranh chấp số 38/15, buộc Công ty TNHH Cáp điện Việt Á phải thanh toán tiền thuê lại đất trả hàng năm, tiền phí hạ tầng và tiền lãi phạt do chậm thanh toán tính đến năm 2015 và tiền phí trọng tài tổng cộng 4.160.740.401 đồng.
Ngày 9/11/2015 Trung tâm trọng tài cũng có phán quyết cuối cùng đối với vụ tranh chấp số 31/15, buộc Công ty cổ phần ECICO phải thanh toán số tiền tổng cộng 3.924.532.652 đồng.
Bà Lê Thị Yến Nhi, Giám đốc đầu tư kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng, chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp cho biết, sau khi có phán quyết, công ty đã gửi đơn yêu cầu thi hành án gửi Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.
Cục đã thụ lý và có Quyết định thi hành án (số 14/QĐ-CTHADS ngày 26/12/2016 và số 15/QĐ-CTHADS ngày 5/1/2017), đề nghị các công ty TNHH Cáp điện Việt Á và Công ty cổ phần ECICO phải có trách nhiệm tự nguyện thi hành án theo đúng phán quyết trọng tài.
Thế nhưng việc thi hành án gặp vướng mắc do 2 doanh nghiệp trên đang thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Đến nay 2 công ty trên vẫn chây ỳ không hiện theo phán quyết và tiếp tục phát sinh công nợ.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tứ, đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, một dự án đầu tư hoạt động phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan như: Luật Đầu tư (quy định liên quan đến Dự án), Luật Xây dựng (quy định về cấp phép xây dựng trên đất), Luật Đất đai (quy định về sử dụng đất), Luật thuế sử dụng đất (tiền sử dụng đất), Bộ luật Dân sự (Hợp đồng cho thuê nhà xưởng)...
Hai dự án nêu trên đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi dự án, đã chấm dứt tư cách pháp lý tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn thực hiện hoạt động cho bên thứ ba thuê lại nhà máy, xí nghiệp để kinh doanh là đã vi phạm pháp luật.
Về chế tài xử lý, Luật sư Nguyễn Văn Tứ cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xử phạt hành chính, cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả liên quan đến việc sử dụng đất trái mục đích, xây dựng trái phép, nợ thuế, không thực hiện đúng dự án đầu tư...
Ngoài ra, các bên thứ ba (ngân hàng, bên thuê lại đất...) có thể kiện yêu cầu doanh nghiệp vi phạm bồi thường thiệt hại dân sự đối với vấn đề liên quan khi cơ quan nhà nước có các quyết định, hành vi hành chính.
UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu báo cáo
Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng, đối với các dự án chậm triển khai trên, nếu không thu hồi đất sẽ gây thiệt hại cho ngân sách thành phố, lãng phí nguồn tài nguyên.
Theo thống kê, trung bình mỗi hecta đất công nghiệp tại Đà Nẵng sẽ tạo ra 70 việc làm, doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm và đóng thuế khoảng 5 tỷ đồng/năm cho thành phố.
Ban quản lý đã giao chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp khẩn trương thực hiện các thủ tục thu hồi đất đối với 2 dự án nêu trên theo đúng quy định pháp luật, để chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác có nhu cầu. Nhưng đến nay người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần ECICO là ông Võ Văn Đào không hợp tác, không có mặt để xử lý vụ việc. Còn đại diện pháp luật của Công ty TNHH Cáp điện Việt Á là bà Phạm Thị Loan cũng chưa thống nhất việc thu hồi, chuyển nhượng dự án.
Đối với các dự án đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng trong các khu công nghiệp, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 38/2019/QĐ-UBND ngày 3/9/2019 quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục thu hồi đất. Luật Đất đai cũng quy định rõ là Chủ tịch UBND thành phố có quyền hủy bỏ Quyết định cấp sổ hoặc ra Quyết định thu hồi đất.
Tuy nhiên, khi thu hồi đất sẽ vướng tài sản, đất đai đang thế chấp trong các ngân hàng và tài sản của các công ty đang thuê lại của 2 doanh nghiệp này.
Về vấn đề các 2 doanh nghiệp trên cho thuê nhà xưởng trái phép, gây khó khăn trong quản lý khu công nghiệp, bất ổn về phòng chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường, ông Phạm Trường Sơn cho biết cần sự phối hợp của cơ quan chức năng liên quan để kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Khó khăn lớn nhất là Ban quản lý không có thẩm quyền xử phạt, nên khi phát hiện sai phạm thì chỉ có thể đề nghị UBND quận Liên Chiểu, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố... xử phạt về những sai phạm của trong lĩnh vực.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp và Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng báo cáo về vụ việc này.
Sau khi có báo cáo, thành phố sẽ họp bàn phương án xử lý, làm việc với cơ quan quản lý, các doanh nghiệp liên quan và cả phía ngân hàng. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là xử lý dứt điểm, không để cho các doanh nghiệp tự ý hoạt động trái pháp luật trong khu công nghiệp, nhất là trong bối cảnh hạ tầng công nghiệp hiện đang còn thiếu như hiện nay.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vu-xi-phan-dat-cong-nghiep-tai-da-nang-can-xu-ly-dut-diem-de-tranh-that-thu-ngan-sach-347423.html