Ngân hàng NCB của nữ tướng 8X Bùi Thị Thanh Hương có tỷ lệ nợ xấu “báo động đỏ” vượt ngưỡng 11%

Kết thúc quý 2/2022, tổng nợ xấu của Ngân hàng NCB đạt gần 4.500 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần so với hồi đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của NCB tăng vọt từ 3,73% hồi đầu năm lên 11,05%.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022,  Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB,  Mã CK : NCB) vừa báo lỗ trước thuế 6,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn có lãi gần 64 tỷ đồng. Nguyên nhân do nhiều mảng thu nhập của NCB bị giảm sút trong quý 2/2022.

sun-group-1659088315.jpg Cựu Tổng giám đốc Sun Group – bà Bùi Thị Thanh Hương hiện đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng NCB.

Cụ thể, so với cùng kỳ, nguồn thu chính của Ngân hàng NCB là thu nhập lãi thuần giảm gần 24% xuống còn 193 tỷ đồng; lãi thuần từ dịch vụ giảm 66% xuống mức 26 tỷ đồng. Trong khi đó thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư có cải thiện nhưng không đáng kể khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm gần 52%, xuống còn 54 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng vọt khiến Ngân hàng NCB phải chi 60 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro trong quý 2, cao gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp của Ngân hàng NCB trong kỳ là 253 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Do đó, Ngân hàng NCB báo lỗ 6,4 tỷ đồng trong quý 2/2022. Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng NCB chỉ vỏn vẹn 19 tỷ đồng, giảm 84,8% so với cùng kỳ.

sun-group-2-1659088415.png Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Ngân hàng NCB đang trong tình trạng “báo động đỏ” khi vượt ngưỡng 11%.

Một tình trạng đáng báo động tại Ngân hàng NCB là tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này vượt ngưỡng 11%. Điều này có nghĩa là cứ 100 đồng nhà băng này cho vay khách hàng, thì có 11 đồng là nợ xấu. Trong khi phần lớn các ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3% thì mức nợ xấu 11% của NCB là con số đáng báo động.

Cụ thể, tính đến 30/6/2022, tổng nợ xấu của Ngân hàng NCB đạt gần 4.500 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần so với hồi đầu năm. Trong đó, Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 89,7% lên mức 1.143,8 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) tăng vọt 14,5 lần lên mức 2.626,2 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) tăng 143% lên mức 1.130 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của Ngân hàng NCB đạt 75.469 tỷ đồng, tăng 2,3% so với hồi đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 6,6% đạt 44.355 tỷ đồng, trích lập dự phòng tăng 24% lên 859 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng giảm 2% so với đầu năm đạt 63.203 tỷ đồng.

Sun Group trở thành cổ đông Ngân hàng NCB

Hồi tháng 3/2022, Ngân hàng NCB hoàn tất phát hành 150 triệu cổ phiếu cho 535 nhà đầu tư theo phương thức thực hiện quyền mua với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong số 535 nhà đầu tư mua vào cổ phiếu NVB lần này có sự xuất hiện của Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt trời - công ty thành viên của Sun Group.

Doanh nghiệp này là một trong 2 nhà đầu tư được Ngân hàng NCB phân phối lại số cổ phiếu trong đợt chào bán. Trong đó, lượng cổ phiếu NVB được Sun Group mua vào là 737.444 đơn vị, tương đương 0,18% vốn điều lệ ngân hàng trước phát hành.

Đây là lần đầu tiên Sun Group hiện diện tại Ngân hàng NCB với vai trò cổ đông sau khi hàng loạt nhân sự cấp cao từ tập đoàn này chuyển sang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo ngân hàng.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Ngân hàng NCB diễn ra hồi tháng 7/2021, bà Bùi Thị Thanh Hương, cựu Tổng giám đốc Sun Group đã được bầu làm chủ tịch HĐQT NCB thay ông Nguyễn Tiến Dũng.

Ban điều hành Ngân hàng NCB sau đó cũng ghi nhận một loạt thay đổi với bà Dương Thị Lệ Hà làm quyền Tổng giám đốc, trong khi bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang cùng được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc.

Sau loạt thay đổi ở ban lãnh đạo, tháng 10/2021, Sun Group và Ngân hàng NCB đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ngan-hang-ncb-cua-nu-tuong-8x-bui-thi-thanh-huong-co-ty-le-no-xau-bao-dong-do-vuot-nguong-11-348430.html