Tại nhà anh Trần Ngọc Mẫn có nhiều mảng tường bị nứt ở những vị trí khác nhau, đặc biệt khu vực nhà bếp bị sập một phần mái ngói với diện tích khoảng 4 m2. Anh Mẫn cho biết, nhà anh được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, tuy nhiên việc nứt tường xảy ra ở một số ít vị trí, không nghiêm trọng. Từ đầu năm 2022 đến nay, từ khi các đơn vị thi công xây dựng cây cầu thuộc Dự án đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân, tường nhà anh bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt hơn, khoảng cách nứt cũng rộng hơn, nhà có nguy cơ bị đổ sập.
“Tôi cho rằng, việc nứt tường nhà là do các đơn vị thi công thuộc Dự án đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân khoan cọc nhồi để làm cầu qua sông. Nhà tôi ở gần, mỗi khi đơn vị thi công thực hiện đóng cọc bê tông, nhà bị rung lắc rất mạnh. Gia đình rất lo lắng vì ngôi nhà có thể bị sập bất kỳ lúc nào”, anh Mẫn chia sẻ.
Anh Trần Văn Bốn, một hộ dân sinh sống ngay sát bên công trình cầu thuộc dự án cũng cho hay, hiện nhà anh có trên 10 vị trí nứt tường khác nhau, có vết nứt kéo dài từ chân tường lên đến trần nhà, dầm bê tông cốt thép cũng bị một vết nứt dài. Nhà anh được xây dựng từ năm 2013, trước khi triển khai dự án này, nhà hoàn toàn không bị nứt tường, dầm nào đáng kể. Theo anh Bốn, mỗi lần đơn vị thi công thực hiện việc đóng cọc bê tông để làm cầu, ngồi trong nhà có thể cảm nhận rất rõ rung lắc. Trước đó, đơn vị thi công có đến trao đổi với gia đình nếu nhà bị nứt sẽ có bảo hiểm lo, nhưng đến nay vẫn không thấy ai có ý kiến gì.
Ông Mai Văn Bảy, Bí thư Chi bộ thôn Diêm Vân cho biết, trong quá trình thi công cây cầu thuộc Dự án đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân, các đơn vị thi công cũng có giám sát nhưng vẫn ảnh hưởng đến nhà của người dân. Trong đó, việc nứt tường nhà xảy ra ở gần 30 hộ dân. Khu vực này chuẩn bị thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên người dân không thể xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà được.
Dự án đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân do Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư. Trong đó, gói thầu số 2 bao gồm toàn bộ khối lượng đoạn Km0+869,09 - Km1+592,03 do Liên danh Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thuận Đức và Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 510 trúng thầu với giá gần 200 tỷ đồng. Trong đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thuận Đức đảm nhận thi công xây lắp phần bề mặt đường còn Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 510 thi công xây lắp phần cầu giao thông.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đào Duy Tụng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 510 cho biết, đơn vị làm cầu chỉ thực hiện khoan cọc nhồi, tức là dùng máy móc khoan lấy đất dưới sông lên rồi đổ bê tông xuống, như vậy sẽ không gây ra việc rung lắc khu vực nhà người dân. Rung lắc, gây nứt tường nhà người dân có thể là do việc đóng cọc bê tông của đơn vị làm cống qua đường gần công trình cầu. Tuy nhiên, qua kiểm tra nếu có lỗi của Công ty trong việc gây ra nứt nhà người dân thì đơn vị sẽ xử lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thắng, Kỹ thuật hiện trường thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thuận Đức cho rằng, việc đóng cọc bê tông để làm cống của đơn vị không gây ra rung lắc nhiều. Sau khi anh Trần Ngọc Mẫn kiến nghị về việc nứt tường nhà, đơn vị đã đến nhà anh Mẫn để kiểm tra, thử nghiệm vào ngày 11/7. Qua thử nghiệm, đơn vị nhận thấy độ rung lắc trong khi đóng cọc bê tông làm cống không đến mức độ gây nứt tường hay sập nhà của anh Mẫn. Tuy nhiên, để khách quan, đơn vị yêu cầu anh Mẫn gửi đơn đến cơ quan chức năng để kiểm tra. Việc đóng cọc bê tông làm cống của đơn vị cũng chỉ có anh Mẫn kiến nghị, chưa nghe người dân nào phản ánh.
Ông Lưu Nhất Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định cho biết, sẽ tiếp nhận thông tin và cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp. Ban cũng sẽ mời đơn vị bảo hiểm làm việc với người dân, nếu trường hợp nào không thuộc đơn vị bảo hiểm xử lý, nhà thầu thi công sẽ xử lý.
Link nội dung: https://biztoday.vn/binh-dinh-nguoi-dan-mong-muon-lam-ro-nguyen-nhan-gay-nut-nha-348737.html