Nhà máy Nhiệt điện Na Dương được khởi công xây dựng vào tháng 4.2004 tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Nhà máy thuộc Tổng công ty Điện lực - TKV, gồm 2 tổ máy có công suất thiết kế là 100 MW với tổng số vốn 120 triệu USD.
Năm 2005, hai tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương đi vào vận hành thương mại và phát điện. Nhưng cũng ngần đó thời gian, người dân xung quanh nhà máy luôn phải sinh sống trong cảnh môi trường bị ô nhiễm do tro xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương xả ra, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Lúa chết, người ốm vì khói bụi
Giữa tháng 7.2022, nhóm phóng viên Báo Lao Động tìm gặp bà Hoàng Thị Thúy - Trưởng tiểu khu 1, 2 thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Lẽ ra người dân phải ở ngoài đồng hay trên đồi, trên nương. Thế nhưng, bà Thúy lại chẳng đi đâu được, bà nói: "Năm nào thuận lợi, giờ này người dân thay nhau đi gặt lúa. Thế nhưng, năm nay, nước xít than và tro xỉ của nhà máy chảy xuống ruộng, khiến lúa chết như ngả rạ. Cả khu 1, 2 thị trấn Na Dương có khoảng 10ha trồng lúa, song lúa thu hoạch được chẳng được là bao".
Để minh chứng cho lời mình nói, bà Thúy dẫn chúng tôi đến gặp vợ chồng ông Hà Văn Táy và bà Hứa Thị Thoa. Hai vợ chồng người dân tộc Nùng, mới ngoài 60 tuổi, nhưng trông già hơn cả chục tuổi.
"Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống trông chờ vào 6 sào lúa. Khổ nỗi, 6 sào ruộng ấy lại nằm cạnh "núi tro xỉ" của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương. Năm vừa rồi, sau vài trận mưa to, nước từ núi tro xỉ trôi xuống khiến 6 sào lúa mất trắng, không có lúa để ăn, phải đi đong từng bữa", bà Hứa Thị Thoa nói.
Đúng như người dân phản ánh, do không thể canh tác được, nên cỏ mọc um tùm trên những ruộng lúa. Khi trời mưa, dòng nước ngả màu vàng đục tràn từ những núi tro xỉ tới từng bờ mương, lạch nước của người dân.
Xử lý không thấu đáo
Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, theo phản ánh của người dân thời gian vừa qua, đời sống, sức khỏe của họ còn bị ảnh hưởng. Bà Hoàng Thị Thúy cho biết thêm, nhà cửa, quần áo không bao giờ sạch vì bụi tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương thường xuyên bám vào.
Trưởng tiểu khu 1, 2 còn cho biết: "Tất nhiên, người dân chúng tôi không dám "đổ tội" cho nhà máy là nguyên nhân gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi người dân thấp cổ bé họng, không có đủ điều kiện để kiểm tra, tìm hiểu.
Thế nhưng, là người lớn tuổi trong xóm, tôi rất đau lòng khi chứng kiến nhiều cháu nhỏ, cụ già thường xuyên bị ho, tức ngực. Nhất là về đêm, nhiều gia đình mất ngủ khi con nhỏ ho, quấy khóc".ng ruộng, khiến gia đình bà không thể canh tác.
"Chúng tôi rất mong được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, hoặc một tổ chức từ thiện nào đó về đây khám, xem người dân có bị ảnh hưởng sức khỏe gì không, nhất là liên quan đến các bệnh về phổi, hô hấp. Còn như hiện tại, người dân tiền ăn còn không có, lấy đâu ra tiền khám bệnh định kỳ", bà Hoàng Thị Thúy tâm sự.
Chia sẻ về vấn đề này, người dân trong tiểu khu 1, 2 cho biết, họ cũng đã nhiều lần có đơn thư kiến nghị gửi đến nhà máy, chính quyền địa phương. Thế nhưng những cánh thư cứ ra đi lại chẳng thấy hồi âm. Nhiều đoàn cán bộ đến kiểm tra theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", rồi lại ra đi, bỏ lại những cánh đồng khô héo vì xít than, tro xỉ.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhiet-dien-na-duong-dan-kho-vi-o-nhiem-moi-truong-350048.html