Nguy cơ vỡ tiến độ vận hành tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội

Ngân hàng Phát triển châu Á và các nhà tài trợ Pháp có văn bản cho rằng, việc vận hành trước đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2022 không khả thi do nhiều công trình trong khu depot Nhổn thi công chậm tiến độ.

Cụ thể, trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, liên danh các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan phát triển Pháp, Tổng cục Kho bạc Pháp và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (Liên danh) cho biết, tuyến đường sắt đô thị (metro) số 3 Nhổn - ga Hà Nội đang có nhiều công trình thi công dở dang, chậm tiến độ.

Từ thực tế trên, Liên danh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến kế hoạch vận hành trước đoạn trên cao từ ga S1 (Nhổn, Bắc Từ Liêm) - ga S8 (Cầu Giấy).

Theo Liên doanh, kế hoạch vận hành trước đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2022 không còn khả thi. Nguyên nhân được xác định là “những vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình tại khu depot Nhổn”.

Chỉ ra đơn vị có liên quan, Liên danh cho biết, trong 2 năm qua, Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (HANCORP) - nhà thầu phụ trách xây dựng Depot Nhổn (gói thầu số 5) đã gần như ngừng huy động nhân lực thi công trên công trường. “Có vẻ như HANCORP không có khả năng hoặc không sẵn sàng phân bổ các nguồn lực cần thiết để hoàn thành hợp đồng đã ký kết”, Liên danh nhận định.

Đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm tại đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy.

Từ thực tế trên, Liên danh cho biết, nếu không hoàn thành việc xây dựng depot Nhổn, các gói thầu về điện, thiết bị phòng điều khiển và hệ thống giám sát cũng không thể tiếp tục thực hiện. Nguy cơ có thể khiến các nhà thầu này phải tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng do công việc của họ bị chặn bởi sự chậm trễ này.

Cho ý kiến về thực tế được Liên danh nêu trên, ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin: Đoạn trên cao tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội còn rất nhiều vướng mắc nằm ngoài thẩm quyền của chủ đầu tư, các vướng mắc này nếu không kịp thời tháo gỡ, dự án sẽ chậm tiến độ so với kế hoạch.

Theo ông Hiếu, vướng mắc lớn nhất là gói thầu CT5 (các công trình kiến trúc Depot) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) là nhà thầu. Gói thầu CT5 (khu Depot Nhổn) do Hancorp phụ trách bao gồm nhà điều hành và các nhà chứa tàu, nhà bảo dưỡng, kỹ thuật điện và công trình phụ trợ. Giá trị dự toán gói thầu này gần 800 tỷ đồng, tiến độ tổng thể đến nay đạt hơn 77%. Kế hoạch ban đầu gói thầu này phải hoàn thành ngày 12/2/2018, nhưng đến nay dự kiến tháng 12/2022 mới hoàn thành, chậm 5 năm.

Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội được thành phố Hà Nội (diện chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB) khởi công 9/2010. Tại thời điểm khởi công dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng. Sau các lần điều chỉnh đến nay tổng mức đầu tư dự án tăng lên là 34.532 (tăng 87,5%; tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng 45%). Thời gian hoàn thành toàn bộ dự án theo văn bản trên của MRB đề nghị là năm 2029, chậm tiến độ 12 năm so với tiến độ ban đầu (tuyến Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ 6 năm).

Đến nay dự án cũng gần 10 lần điều chỉnh tiến độ nhưng việc thi công vẫn chưa hoàn thành. Theo tiến độ mới nhất đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, cuối năm 2022 sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao từ Nhổn – về ga S8 Cầu Giấy dài 8,5 km, nếu dịp cuối năm nay đoạn trên cao chưa thể vận hành như dự kiến, dự án sẽ bước sang lần thứ 11 lỡ hẹn vận hành.

Link nội dung: https://biztoday.vn/nguy-co-vo-tien-do-van-hanh-tuyen-metro-nhon-ga-ha-noi-350119.html