KĐT An Phú An Khánh hơn hai thập niên trước được biết đến là một trong những dự án đô thị tầm cỡ, điển hình ở TP.HCM, có vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở khu Đông. Nhưng đến nay đã tròn 24 năm, dự án vẫn còn ngổn ngang, nhiều công trình công cộng, trường học, hạ tầng giao thông... chưa được xây dựng, hoàn thiện. Chủ đầu tư còn xảy ra tranh chấp kéo dài với nhiều khách hàng và không ít lần bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Quay ngược thời gian về lại cuối năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1042/QĐ-TTg về Dự án Đầu tư hạ tầng cơ sở Khu đô thị mới An Phú An Khánh, Q.2 (gọi tắt là KĐT An Phú An Khánh, nay thuộc TP.Thủ Đức). Gần một năm sau (1999), Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định số 783/QĐ-TTg giao đất cho Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà thực hiện dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1.160 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất Nhà nước thu hồi làm dự án là 131ha tại các phường Bình An, Bình Khánh và An Phú (Q.2 cũ). Theo ghi nhận thực tế của Phóng viên, hiện tại ranh giới KĐT An Phú An Khánh cơ bản được xác định 4 phía tiếp giáp với đường Song hành Xa lộ Hà Nội – Nguyễn Hoàng – Lương Định Của – các khu dân cư đường Vành đai tây và một phần đường Trần Não, thuộc các phường An Phú và An Khánh (TP.Thủ Đức). Dự án toạ lạc ở vị trí thuận lợi, cách trung tâm TP.HCM chỉ 10 phút đi xe máy qua các cầu Sài Gòn, Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2 và hầm Thủ Thiêm...
KĐT An Phú An Khánh được chia làm 5 phân khu chức năng, đặt tên lần lượt khu A, khu B, khu C, khu D và khu E. Trong đó các khu A, B, C, D được quy hoạch nhà ở (nhà liền kề, biệt thự, chung cư...) và công trình công cộng (nhà trẻ, trường học...), riêng khu E được bố trí ở trung tâm KĐT với chức năng dịch vụ công cộng (khách sạn, siêu thị...) phục vụ quy mô dân số hàng chục ngàn người sau khi hoàn thành.
Thời điểm này, sau 24 năm được phê duyệt, toàn dự án chỉ có khu B gần như đã được làm xong, hai khu A và C xây dựng khoảng 80%. Khu D và khu E mới thực hiện khoảng 50%. Nhiều hạng mục đến nay vẫn chưa được Công ty HDTC triển khai.
Ngoài khu vực tiếp giáp với đường Song hành Xa lộ Hà Nội và đường Nguyễn Hoàng khá nhộn nhịp thì sâu bên trong dự án, mật độ dân cư thấp, nhiều khu đất bỏ hoang, chưa được xây dựng, cây dại um tùm xen lẫn giữa khu dân cư. Nhiều công trình mới được san nền hoặc làm móng, xây dựng dở dang hoặc dừng thi công nhiều năm nay hình thành nên trạng thái “da beo”, vài vị trí có phần ảm đạm!
Theo danh sách nợ thuế đợt III năm 2022 được Cục thuế TP.HCM công khai vào tháng 6/2022, Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà đứng thứ 4 trong danh sách nợ thuế với số tiền hơn 420 tỷ đồng.
Các trục đường chính như: Nguyễn Quý Đức, Thái Thuận, Dương Văn An... và hệ thống đường giao thông cơ bản đã được kết nối. Các khu dân cư hình thành trên các trục đường chính này được lấp đầy một phần, một số dự án nhà cao tầng như: Chung cư An Phú, An Khánh, An Hòa, cao ốc An Khang, An Cư... cũng hoàn thiện. Các công trình phục vụ cư dân như: Công viên Thanh Niên, trường tiểu học Nguyễn Hiền, THCS Trần Quốc Toản, THPT Thủ Thiêm, siêu thị MM Mega Market,... cũng đã đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, trục đường chính khác là Vũ Tông Phan đến nay vẫn còn một đoạn dang dở, một số đường nội khu thậm chí chưa được xây dựng, còn là đường đất. Dọc đường Trần Lựu, nhiều khu đất rộng hàng ngàn mét vuông bỏ trống, được quây tôn từ nhiều năm nay nhưng chưa thấy triển khai. Bệnh viện duy nhất của dự án là Bệnh viện quốc tế Carmel mới được khởi công vài tháng trước, hiện đang ở giai đoạn thi công tầng 4-5.
Cụm chung cư lớn nhất được quy hoạch tại khu D (đã được HDTC đặt tên thương mại là Laimian City) vẫn chưa hoàn thành, sắt thép, bê tông ngổn ngang. Nhiều công trình công cộng khác theo quy hoạch cũng chưa được xây dựng. Việc Công ty HDTC chỉ chăm chăm xây dựng các công trình nhà ở thương mại để kinh doanh mà “ngó lơ” các tiện ích đi kèm khiến người dân rất bức xúc!
Ngoài việc thi công chậm chạp, thời gian qua, đặc biệt là sau giai đoạn cổ phần hóa vào năm 2015-2016, doanh nghiệp kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ là Công ty Cổ phần HDTC liên tục vướng lùm xùm quy hoạch, xây dựng và tranh chấp kéo dài với nhiều khách hàng tại KĐT An Phú An Khánh.
Đơn cử như tại khu E, dù theo phê duyệt của Thủ tướng và UBND TP.HCM ban đầu là đất công trình công cộng, không có chức năng để ở nhưng hiện nay một phần khu này đã được Công ty HDTC “hô biến” thành đất ở để kinh doanh thương mại. Khu E6 vốn được quy hoạch cao ốc văn phòng đã được bán lại cho một đơn vị tư nhân xây dựng nên 14 căn biệt thự và “bỏ hoang”.
Như vào năm 2017, Công ty HDTC đề xuất thay đổi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của toàn dự án, trong đó hầu hết là những điều chỉnh có lợi cho chủ đầu tư như: giảm diện tích đất công viên cây xanh, tăng mật độ dân cư tại dự án... Điều này đồng nghĩa HDTC sẽ tiếp tục có thêm nhiều nhà/đất để bán, nhưng lại tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng của khu vực.
Công ty HDTC cũng từng bị UBND Q.2 (cũ) trước đây xử phạt 40 triệu đồng vào năm 2019 vì xây dựng không phép tại một khu chung cư bên trong dự án. Doanh nghiệp này cũng có nhiều vi phạm trong quá trình cổ phần hóa được Kiểm toán Nhà nước nêu tên trong Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2020.
Chưa dừng lại ở đó, Công ty HDTC từng xảy ra tranh chấp với cả doanh nghiệp Nhà nước tại nhiều khu đất thuộc dự án và suốt hơn 20 năm qua chưa bàn giao đất nền cho hàng loạt khách hàng cá nhân đã mua từ những năm 1998-2000. Hành trình đòi đất nền của người dân càng trở nên bế tắc hơn khi HDTC chuyển thành Công ty cổ phần do ông Đinh Trường Chinh làm Chủ tịch HĐQT.
Chân dung ông Đinh Trường Chinh
Ông Đinh Trường Chinh là một “đại gia” bất động sản, sinh năm 1974, là người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân được thành lập năm 2006. Kể từ tháng 10/2016, tức sau khi “thâu tóm” thành công Công ty Cổ phần HDTC, ông Đinh Trường Chinh không còn xuất hiện trong danh sách HĐQT. Ngoài ra, ông Đinh Trường Chinh hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật của hàng loạt công ty khác.
Từ lúc ông Đinh Trường Chinh “rời” khỏi Công ty Việt Hân, nhiều dự án cũ của doanh nghiệp này cũng ngừng hoạt động và bị thu hồi, như: Khu dân cư Việt Hân 3, Khu dân cư Việt Hân 5 và Khu đô thị mới Sky Park Long Điền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)... vào năm 2018. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng xác định, Công ty Vinafood 2 đã hợp tác lòng vòng với Công ty Việt Hân trong việc chuyển nhượng đất đai, thoái vốn Nhà nước có nguy cơ gây thất thoát tài sản công và bắt tay nhau để "phù phép" biến đất công thành đất tư, tại phần diện tích hơn 6.000m2 ở địa chỉ số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM).
Được biết, những người thân của ông Đinh Trường Chinh như: Đinh Ngọc Châu Hương, Đinh Ngọc Thiên Hương, Đinh Chí Minh cũng là doanh nhân có tiếng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản. Chị ông Đinh Trường Chinh là bà Đinh Ngọc Thu Hương – trước là thẩm phán TAND Quận 3, sau được TAND Tối cao bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp vào năm 2019.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chieu-tro-cua-hdtc-tai-kdt-an-phu-an-khanh-350185.html