Quá nhiều ứng dụng phần mềm về sức khỏe, liệu có lãng phí?

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến, những ứng dụng phần mềm về sức khỏe rất cần thiết, tuy nhiên cần có giải pháp định hướng, điều chỉnh để tiết kiệm, dễ sử dụng, tránh tình trạng mỗi cơ quan, địa phương có một ứng dụng riêng.

Sim rác vẫn phổ biến, gây lãng phí nguồn lực

Ngày 1/8, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016- 2021 làm việc với Bộ TT&TT.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, giai đoạn 2016- 2021, Bộ đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 230 văn bản, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác quản lý tiết kiệm được 2.547 tỷ đồng giai đoạn 2016- 2021.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, như việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung, chưa thực sự được quán triệt đầy đủ đến các đơn vị, đội ngũ cán bộ công chức, có năm không kịp ban hành; chưa có các tiêu chí kiểm tra, giám sát thực hiện các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các tiêu chí thưởng phạt kịp thời.

Bộ TT&TT đề xuất sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm. Ảnh QH

Thông tin về kết quả làm việc bước đầu của Tổ công tác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cho biết, công tác quản lý phổ tần, băng tần được tăng cường, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên viễn thông này, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin vô tuyến điện tại Việt Nam và tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên, việc cấp phép thông qua đấu giá đối với băng tần dành cho thông tin di động chưa thực hiện được do phải chờ ban hành Nghị định về đấu giá tần số.

Cùng với đó, dịch vụ viễn thông phát triển quá nhanh gây khó khăn cho công tác quản lý; việc đấu giá kho số viễn thông trong giai đoạn 2016- 2021 gặp khó khăn do thực tế thời điểm này không có nhiều doanh nghiệp đề nghị phân bổ bổ sung mã mạng di động, vướng mắc khi đấu giá mã mạng và mâu thuẫn trong quy định về phân bổ mã viễn thông…

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đặt vấn đề, thời gian qua có rất nhiều ứng dụng phần mềm về sức khỏe được cung cấp và triển khai, liệu có lãng phí hay không? Theo đại biểu, những ứng dụng về sức khỏe rất cần thiết, tuy nhiên cần có giải pháp định hướng, điều chỉnh để tiết kiệm, dễ sử dụng, tránh tình trạng mỗi cơ quan, địa phương có một ứng dụng riêng.

Ông cũng đề nghị làm rõ thực trạng sim rác vẫn phổ biến, gây lãng phí nguồn lực của xã hội trong khi trên thế giới nhiều quốc gia quản lý số điện thoại di động như số định danh cá nhân.

Đề cập đến con số tiết kiệm 2.547 tỷ đồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, cần xem lại cách đánh giá, bởi phần lớn số tiền này là nhờ tăng phí sử dụng mã số viễn thông nên tăng tỷ lệ điều tiết về ngân sách, chứ không phải do tiết kiệm trong chi tiêu.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ rà soát lại toàn bộ quỹ tài chính ngoài ngân sách, cụ thể là Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Hiện số dư và nguồn thu của quỹ tương đối lớn, đại biểu đề nghị Bộ báo cáo thêm về số thu, việc huy động nguồn lực, việc sử dụng và hiệu quả gắn với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Lê Thanh Vân. (Ảnh QH)

10 năm chưa đấu giá tài sản lĩnh vực viễn thông

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Luật Viễn thông ban hành từ năm 2009, sửa đổi năm 2018, trong đó quy định đấu giá tài sản đối với lĩnh vực viễn thông, tuy nhiên hơn 10 năm qua vẫn chưa có cuộc đấu giá nào được tiến hành. Ông đề nghị giải trình nguyên nhân do đâu, nếu là vướng mắc về cơ chế, chính sách, tại sao với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này không tham mưu trình Chính phủ, trình Quốc hội kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Tại buổi giám sát, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình làm rõ các vấn đề được nêu ra liên quan đến công tác quản lý sim điện thoại di động; sử dụng quỹ ngoài ngân sách Nhà nước; tiến độ thực hiện đấu giá tần số vô tuyến điện; thực hiện chuyển đổi số quốc gia; kết nối chia sẻ dữ liệu; quản lý báo chí truyền thông; các giải pháp thực hiện tinh giản biên chế…

Phát biểu kết luận, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội – Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, đây là chuyên đề giám sát khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều lĩnh vực, then chốt và xương sống của nền kinh tế, đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, chuyên đề giám sát chỉ tập trung vào lĩnh vực công, quá trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành trong lĩnh vực tham mưu, quản lý nhà nước.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội – Trưởng Đoàn giám sát. (Ảnh QH)

Đoàn giám sát đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của Bộ TT&TT, báo cáo được chuẩn bị công phu, với nhiều nội dung cụ thể, rõ ràng, bám sát nội dung, mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng giám sát. Tuy nhiên, báo cáo còn một số hạn chế cần khắc phục, bổ sung, trong đó có việc ban hành văn bản; quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý sử dụng tài sản Nhà nước; công tác quản lý, khai thác tài nguyên viễn thông; quản lý, sử dụng quỹ ngoài ngân sách; quản lý, đặt hàng báo chí…

Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị Bộ tiếp thu ý kiến, tiếp tục cập nhật, bổ sung số liệu, phản ánh những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia; quy rõ trách nhiệm từng cấp, người đứng đầu, đề xuất giải pháp khắc phục, đồng thời lượng hóa tối đa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Link nội dung: https://biztoday.vn/qua-nhieu-ung-dung-phan-mem-ve-suc-khoe-lieu-co-lang-phi-350309.html