Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố BCTC quý II/2022 với doanh thu 3.429 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá vốn bán hàng tăng hơn 300 tỷ đồng, song lợi nhuận gộp của ACV vẫn ghi nhận 1.622 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 59 lần.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của ACV tăng mạnh lên 1.906 tỷ đồng, chủ yếu do lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ. Ngoài ra, ACV cũng nhận được hơn 76 tỷ đồng lãi trong công ty liên doanh, liên kết, tăng 442% so với quý II/2021.
Trừ các chi phí phát sinh, ACV lãi hơn 2.598 tỷ đồng trong quý II/2022, tăng 670%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu 5.538 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 4.306 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3.473 tỷ đồng, tăng gần 190% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu 12.566 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.969 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, ACV đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 86,7% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt do thị trường hàng không, đặc biệt trong nước được khôi phục như trước, các chuyến bay quốc tế cũng dần được kết nối trở lại.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, phần lớn các doanh nghiệp hàng không vẫn đang phải "chật vật" sau giai đoạn dịch bệnh. Đơn cử như Vietnam Airlines, trong quý II/2022, hãng vẫn lỗ trước thuế 2.475 tỷ đồng; lũy kế nửa năm lỗ hơn 5.100 tỷ đồng. Trong khi đó, theo BCTC quý II của FLC, Bamboo Airways cũng phải gánh khoản lỗ lên tới 4.396 tỷ đồng nửa đầu năm nay.
Đáng chú ý, nợ xấu tại 4 hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam tại ACV đã lên tới 1.967 tỷ đồng, tăng gần 25% so với số đầu năm. Theo đó, Pacific Airlines nợ 380 tỷ đồng, Vietjet nợ 635 tỷ đồng, Bamboo Airways nợ 653 tỷ đồng và Vietnam Airones là 300 tỷ đồng. ACV đã trích lập dự phòng 540 tỷ đồng cho số nợ xấu trên, tăng 80 tỷ đồng so với đầu năm.
Không chỉ vậy, các khoản phải thu ngắn hạn của 4 hãng hàng không trên cũng ở mức hơn 3.851 tỷ đồng, tăng mạnh gần 57% so với cuối năm 2021.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của ACV đạt 55.882 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số đầu kỳ. Trên bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu ở mức 40.641 tỷ đồng, tăng 8%. Nợ phải trả là 15.241 tỷ đồng, giảm 12% so với cuối năm 2021.
Năm nay, ACV đặt kế hoạch vốn đầu tư phát triển tối đa 20.070 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp tập trung nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm như cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1, thành phần 3), xây dựng Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, mở rộng cảng hàng không Điện Biên, mở rộng nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ cảng hàng không quốc tế Nội Bài, xây dựng thêm nhà ga, sân bay tại Phú Bài, Cát Bi.
Link nội dung: https://biztoday.vn/4-hang-hang-khong-no-xau-gan-2000-ty-dong-tai-acv-351183.html