Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014) đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 7.863,82ha. Trong đó, 1.195 dự án được cho thuê đất, với diện tích 3.601,37ha, 105 dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất, diện tích 823,69ha, 317 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích 3.438,76ha.
Theo rà soát của Tổ công tác, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 406 dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất triển khai chậm tiến độ. Trong đó, trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp là 110 dự án.
Cùng với đó, đến nay trên địa bàn tỉnh có 438 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư chưa được giao đất, cho thuê đất. Trong đó, trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp là 102 dự án.
Cũng theo số liệu thống kê của tỉnh Thanh Hóa, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực tới nay, có 650 dự án đã được triển khai, qua rà soát, kiểm tra tại 650 dự án này đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng. Đáng chú ý, có những dự án đã chậm hơn 10 năm nay. Căn cứ theo các quy định của pháp luật về Luật đất đai, đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa mới ban hành quyết định thu hồi đất 21 dự án vi phạm quy định pháp luật.
Điển hình trong số đó có thể kể đến dự án Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Dự án này được đầu tư xây dựng với số tiền 160 tỷ đồng nhưng nhiều năm nay bị bỏ hoang, các hạng mục xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, kể từ năm 2014 đưa vào sử dụng thì đã có tới 3 năm Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng bị bỏ hoang, xuống cấp. Toàn bộ các hạng mục công trình hiện đang hư hỏng nghiêm trọng. Sau khi UBND TP Thanh Hoá chuyển trụ sở về địa điểm mới năm 2019, đến nay, Trung tâm Hội nghịu vẫn chưa có đơn vị nào tiếp quản.
Hay tại xã Thuý Sơn, huyện Ngọc Lặc, dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Tưởng rằng dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế cho địa phương, thế nhưng sau hơn 10 năm dừng hoạt động, các hạng mục xây dựng xuống cấp, dự án biến thành nơi người dân chăn thả gia súc.
Năm 2020, chủ đầu tư có đề nghị tỉnh Thanh Hoá cho phép tiếp tục triển khai dự án và điều chỉnh nâng công suất Nhà máy. Tuy nhiên, hầu hết người dân sống xung quanh nhà máy xi măng đều không đồng ý việc tiếp tục triển khai dự án.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Tổ công tác rà soát tổng thể tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, dự kiến Tổ công tác sẽ ra soát và hoàn tất trước ngày 30/9. Dựa trên căn cứ rà soát, UBND tỉnh sẽ đưa ra các quyết định thu hồi đất đối với các dự án đã được cho giao đất, cho thuê đất mà chậm tiến độ, vi phạm về sử dụng đất, quá hạn thời gian giao đất hoặc chủ đầu tư không có năng lực hay không có nhu cầu triển khai dự án.
Trước đó, liên quan đến các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, trả lời ý kiến của đại biểu và cử tri trong tỉnh đang quan tâm về hàng loạt các dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, chưa được xử lý dứt điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang khẳng định: “Tỉnh cương quyết thu hồi đất các dự án đã gia hạn nhiều lần vẫn không thực hiện”.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân các dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm là do cơ quan nhà nước lựa chọn nhiều nhà đầu tư không có kinh nghiệm, thiếu năng lực triển khai, có những nhà đầu tư không triển khai dự án hoặc còn chờ thời điểm.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh, gồm các dự án được giao đất, cho thuê đất trước và sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực; yêu cầu phải sớm thu hồi các dự án được tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm nhà đầu tư không triển khai.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhieu-du-an-cham-tien-do-tai-thanh-hoa-se-bi-thu-hoi-sau-309-351278.html