Ôm tiền đi đầu tư chứng khoán, nhiều doanh nghiệp nhận trái đắng

Thị trường chứng khoán biến động và lao dốc khiến không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ mà ngay cả những doanh nghiệp đình đám trên thương trường, công ty chứng khoán,..cũng "ôm" lỗ nặng vì chứng khoán.

 

"Tay ngang" khóc ròng vì chứng khoán

Thị trường chứng khoán chứng kiến sự phân hóa khá mạnh về kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp đầu tiên trên sàn công bố báo cáo tài chính quý II/2022. Bên cạnh những doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng vọt thì có không ít đơn vị báo lợi nhuận giảm sâu, thậm chí thua lỗ nặng vì đánh cược khi thị trường chứng khoán (TTCK) sôi sục.

Có thể thấy, việc TTCK đi lên mạnh trong hơn hai năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp có "hứng thú" với việc đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, TTCK có những đặc thù riêng với nhiều biến động mạnh và khó lường, vì thế, kiếm lời từ kênh đầu tư này chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp “tay ngang”.

Trong số những "tay ngang" nhận "trái đắng" vì cổ phiếu phải kể đến Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (MCK: VHC). Tuy là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản nhưng Vĩnh Hoàn đã mạnh tay đầu tư chứng khoán với giá trị trên trăm tỷ đồng. Trong bối cảnh phải thu hẹp sản xuất bởi các quy định giãn cách và các đơn hàng bị ảnh hưởng, "ông lớn" xuất khẩu cá tra sử dụng lượng tiền nhàn rỗi để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán. Vĩnh Hoàn đang có gần 200 tỷ đồng rót vào các cổ phiếu bất động sản bao gồm: NLG, DXS và KBC. Tuy nhiên đang phải trích lập 63 tỷ đồng do cả 3 mã chứng khoán này đều mất giá.

Tạm quên đi khoản lỗ từ đầu tư chứng khoán, Vĩnh Hoàn vẫn có một quý kinh doanh ấn tượng từ ngành kinh doanh chính khi doanh thu trong quý II/2022 đạt mức kỷ lục 4.327 tỷ đồng, tăng 85% cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận được cải thiện mạnh mẽ giúp lãi gộp lần đầu vượt mức 1.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Mặc dù có nhiều biến động về chi phí tài chính, chi phí bán hàng, quản lý cũng như doanh thu tài chính,...nhưng công ty vẫn báo lãi sau thuế cao nhất lịch sử tại 788 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ quý II/2021. Lũy kế nửa đầu năm, công ty đầu ngành cá tra báo cáo doanh thu bán hàng hơn 7.600 tỷ và lãi sau thuế 1.341 tỷ đồng, tăng tương ứng 84% và 241% so cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu trong quý II/2022 cho thấy, Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (MCK: NDN) cũng là một trong những doanh nghiệp lỗ trăm tỷ do đầu tư chứng khoán.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng quý II/2022, doanh nghiệp báo doanh thu chỉ đạt 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 184 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn, Nhà Đà Nẵng chỉ lãi vỏn vẹn 679 triệu đồng từ hoạt động cốt lõi, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, ở hoạt động tài chính, Nhà Đà Nẵng phải trích lập dự phòng cho danh mục đầu tư chứng khoán khiến chi phí tài chính tăng đột biến. Nhà Đà Nẵng theo đó lỗ nặng hơn 114 tỷ đồng trong quý II/2022 trong khi cùng kỳ lãi đến 85 tỷ đồng.

Đây cũng là lần đầu tiên công ty này ghi nhận thua lỗ trong kỳ báo cáo kể từ khi niêm yết năm 2011 đến nay. Theo giải trình của lãnh đạo công ty, lợi nhuận quý của NDN giảm so với cùng kỳ là do thị trường chứng khoán có nhiều biến động tiêu cực nên hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả. Công ty phải trích lập dự phòng cho danh mục đầu tư chứng khoán khiến chi phí tài chính tăng lên đột biến.

Trong khi đó, ở hoạt động tài chính, Nhà Đà Nẵng phải trích lập dự phòng cho danh mục đầu tư chứng khoán khiến chi phí tài chính tăng đột biến. Nhà Đà Nẵng theo đó lỗ nặng hơn 114 tỷ đồng trong quý II/2022 trong khi cùng kỳ lãi đến 85 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng giá trị đầu tư của Nhà Đà Nẵng là 310 tỷ đồng, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn phải kể đến mã SHS của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, VHM của Vinhomes, TCB của Techcombank …

Việc thị trường đảo chiều xu hướng trong sáu tháng đầu năm nay đã khiến kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Licogi 14 (MCK: L14) sụt gảm mạnh.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022, doanh nghiệp báo doanh thu thuần đạt gần 88 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ 2021. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế của công ty lại lỗ tới hơn 346 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 23 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động tài chính của Licogi 14 bị thua lỗ nặng nề trong khoảng thời gian này. Doanh thu từ hoạt động tài chính của Licogi 14 chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính nhảy vọt lên hơn 402 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận dự phòng giảm giá các khoản đầu tư lên tới gần 380 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư trên được thực hiện thông qua Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14 (công ty con) tuy nhiên, trong phần thuyết minh, công ty không nêu rõ danh mục cổ phiếu đang nắm giữ.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng lao đao

Việc thị trường đảo chiều xu hướng trong 6 tháng đầu năm nay đã khiến "tay ngang" lỗ nặng mà ngay cả công ty chứng khoán cũng "ôm" trái đắng. Sự suy giảm của thị trường khiến hoạt động tự doanh của nhiều công ty chứng khoán ghi nhận các khoản chênh lệch giảm do đánh giá lại khoản đầu tư. Hầu hết do doanh thu hoạt động giảm, trong khi chi phí hoạt động tăng.

Trong đó, phải kể đến Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khi lỗ quý lớn nhất từ trước đến nay do đầu tư cổ phiếu. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2022 mới được công bố, VDSC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 146 tỷ đồng, iảm đến 55% so với cùng kỳ năm 2021.

Phần lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là âm 20 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL ghi âm hơn 63 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi 83 tỷ đồng).

Lỗ từ FVTPL của VDSC tăng vọt lên mức gần 270 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 con số này chỉ vỏn vẹn 14 tỷ đồng. Chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL lên đến 209 tỷ đồng.

Như vậy, công ty lỗ ròng khoảng 290 tỷ đồng từ các tài sản tài chính FVTPL trong quý II và lũy kế 6 tháng con số lỗ là 216 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II/2022, tổng danh mục FVTPL mà VDSC nắm giữ là gần 856 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Trong đó, danh mục cổ phiếu chiếm phần lớn với hơn 607 tỷ đồng. Danh mục đầu tư vào Dabaco, Vietinbank, Hòa Phát, Techcombank… đã khiến VDSC lỗ nặng.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng với danh mục đầu tư gồm các cổ phiếu thuộc những doanh nghiệp đầu ngành, hoạt động hiệu quả cao. Do đó, công ty tin tưởng hoạt động đầu tư sẽ có kết quả tích cực hơn trong các tháng cuối năm.

Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (MCK: SHS) cũng báo lỗ sau thuế quý II/2022 gần 300 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là bị lỗ từ các tài sản tài chính lên 309,5 tỷ đồng. Danh mục cổ phiếu đầu tư của SHS gồm GEX, TCB, PET, PMC, SIP và các cổ phiếu khác.

Là nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng Công ty chứng khoán Tiên Phong (MCK: ORS) cũng báo lỗ trước thuế 161,2 tỷ đồng trong quý II/2022. Một trong những nguyên nhân là công ty bán ra danh mục gồm cổ phiếu và trái phiếu bị lỗ lên đến 367,3 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với số lãi khi bán các tài sản trên là 172,8 tỷ đồng.

Link nội dung: https://biztoday.vn/om-tien-di-dau-tu-chung-khoan-nhieu-doanh-nghiep-nhan-trai-dang-351655.html