Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), về thị trường chợ đen, mua bán ngoại tệ.
Theo đó, thị trường chợ đen, mua bán, trao đổi ngoại tệ là thị trường ngoại tệ phi chính thức không được pháp luật thừa nhận. Vì vậy, mọi giao dịch mua, bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức là trái pháp luật, không được NHNN cấp phép. Khi có nhu cầu mua ngoại tệ, người dân phải mua tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm giao dịch là hợp pháp, hợp lệ. Hiện nay theo quy định, người dân chỉ được mua - bán USD tại các tổ chức tín dụng, điểm thu đổi ngoại tệ được cấp phép. Ngoài các điểm này đều được liệt vào là “chợ đen”.
Bất chấp cảnh báo từ NHNN trên thực tế, giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do hay còn gọi là “chợ đen” diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Đơn cử khi có nhu cầu đi du lịch, khám chữa bệnh ở nước ngoài thì hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến việc giao dịch trên thị trường tự do. Tương tự, khi có USD và muốn đổi ra tiền đồng để chi tiêu, người dân cũng nghĩ ngay đến các tiệm kinh doanh vàng.
Chị Thanh Hà (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cho hay cách đây 2 hôm mới chạy ra tiệm vàng gần nhà mua 1.000 USD để “lì xì” cho đứa cháu đi du học. Đây cũng là địa chỉ quen thuộc khi chị cần mua ngoại tệ để đi du lịch nước ngoài từ xưa đến nay. Khi được hỏi tiệm vàng này được phép thu đổi ngoại tệ hay không? Chị Thanh Hà nói mình là khách quen nên không hỏi. Mà trước giờ chị vẫn đổi nên “chắc không sao”?.
Tương tự, chuẩn bị đi du lịch châu Âu cuối tháng 8 này, chị Vy (ngụ Q.7, TP.HCM) đã mua sẵn 5.000 euro tại một tiệm vàng quen. Là tín đồ du lịch nên việc đổi ngoại tệ từ Đông Nam Á hay Nhật, Hàn đến châu Âu, Mỹ thì chị đều đến tiệm vàng này thực hiện. Với các loại ngoại tệ không quá phổ biến thì tiệm vàng sẽ báo sau một ngày, còn USD thì lúc nào cũng có ngay. Trên thực tế, khách hàng cứ “vô tư” mua bán mà không cần biết là điểm giao dịch đó có được phép hay không? Các tiệm vàng cũng giao dịch công khai, không giấu giếm. Thậm chí ngay tại TP.HCM, những giao dịch có số lượng lớn từ 5.000 USD, 10.000 USD trở lên thì chỉ cần gọi điện thoại là sẽ được các điểm giao dịch ngoại tệ mang đến tận nhà. Đó là chưa kể có cả những doanh nghiệp khi có nhu cầu ngoại tệ để nhập hàng hóa cũng phải tìm đến “chợ đen” khi ngân hàng không bán đủ số lượng cần thiết.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng rất nhiều lĩnh vực kinh tế đều có vùng “xám”, thị trường “chợ đen” trong lĩnh vực ngoại hối ở VN cũng là một phần trong bức tranh đó. Tương tự như hàng nhái, hàng giả... rất khó để Chính phủ kiểm soát triệt để.
Thực tế thời gian qua, chính sách về tỷ giá hối đoái và quản lý ngoại tệ của Chính phủ đã tỏ ra hiệu quả vì khá ổn định. Đặc biệt, tâm lý người dân không còn tích trữ nhiều USD vì thấy không có lợi như giữ tiền đồng do không có lãi suất và biến động tỷ giá thấp. Từ đó khiến giao dịch trên thị trường tự do cũng đã thu hẹp bớt, chênh lệch giá không quá cao so với hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, chỉ khi phát hiện giao dịch lớn hay tỷ giá quá chênh lệch có thể gây tác động đến kinh tế xã hội thì NHNN và các cơ quan liên quan sẽ kiểm tra giám sát chặt hơn. Nhưng không vì thế mà người dân hay doanh nghiệp cứ thoải mái giao dịch ngoại tệ ở các điểm không hợp pháp vì rất rủi ro. Sự việc cuối năm 2018 có người dân ở Cần Thơ khi bán 100 USD cho tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ đã bị xử phạt rất nặng là minh chứng điển hình.
Từ đó, ông Hiển khuyến cáo, người dân và doanh nghiệp nên giao dịch ngoại tệ ở các điểm được phép để tránh rủi ro cho mình.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhận định việc duy trì những điểm thu đổi ngoại tệ có phép bên ngoài hệ thống ngân hàng tại các khu du lịch, trung tâm thương mại và khách sạn từ 4 sao trở lên là thông lệ ở tất cả quốc gia để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên tại VN, hoạt động mua bán USD diễn ra ở rất nhiều điểm khác nhau, khá thoải mái. Một phần do chính sách cho phép người dân rút kiều hối bằng ngoại tệ. Từ đó đẩy nguồn cung ngoại tệ chảy ra thị trường tự do. Nhưng lớn hơn là nhu cầu của các doanh nghiệp để nhập khẩu hàng hóa mới.
Ngoài ra, việc thanh toán bằng USD tại VN cũng khá dễ dàng khi một số cửa hàng vẫn chấp nhận bán hàng lấy bằng đồng tiền này. Thu về USD thì họ cũng sẽ ra thị trường tự do bán đổi lấy tiền đồng với tỷ giá cao hơn trong ngân hàng…
Vòng xoay này tự nhiên cứ diễn ra và thị trường “chợ đen” vẫn luôn hoạt động. Để hạn chế giao dịch USD “chợ đen”, NHNN phải giải quyết vấn đề từ gốc. Đó là đáp ứng tối đa nhu cầu cho doanh nghiệp với giá đúng như ngân hàng đã công bố hằng ngày mà không phải là một giá cao hơn như ngoài “chợ đen”. Bên cạnh đó, siết lại hoạt động thanh toán bằng ngoại tệ ở các cửa hàng kinh doanh thông thường để hạn chế tình trạng trao đổi bằng USD.
Link nội dung: https://biztoday.vn/do-la-lau-van-ban-cong-khai-351686.html