Yếu tố hình sự trong vụ nữ sinh lớp 12 bị tông ở Ninh Thuận

Theo luật sư, nếu có căn cứ chứng minh việc xét nghiệm nồng độ cồn sai là lỗi cố ý và tài xế mắc lỗi dẫn tới tai nạn, 2 tội danh có thể được áp dụng trong trường hợp này.

Sáng 28/6, ôtô do ông Hoàng Văn Minh (38 tuổi, ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) điều khiển va chạm với xe máy do Hồ Hoàng Anh (18 tuổi) điều khiển. Vụ tai nạn khiến nữ sinh tử vong.

Tại buổi họp báo chiều 2/8, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận cho biết nữ sinh đi đúng làn đường và tốc độ quy định trong khi tài xế Minh đã chuyển hướng ôtô không an toàn và sử dụng điện thoại khi lái xe. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cũng thừa nhận có sai sót trong việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Hoàng Anh.

Với những tình tiết này, những ai có thể phải chịu trách nhiệm trong vụ việc?

hien-truong-vu-tai-nan-hom-28-thang-6-1659601842.jpg
Hiện trường vụ tai nạn hôm 28/6. Ảnh cắt từ clip.

Có căn cứ xử lý người xét nghiệm sai?

 

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết trong những vụ tai nạn nghiêm trọng, việc xác định sai nồng độ cồn là điều không được phép xảy ra, đặc biệt đối với kết quả của nạn nhân trong vụ tai nạn. Cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ sai sót này là do lỗi vô ý hay có chủ đích của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Trường hợp đây là lỗi vô ý, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng mà hành vi gây ra, những cá nhân liên quan có thể bị xem xét kỷ luật theo quy chế của bệnh viện cũng như điều lệ của ngành y tế.

Trường hợp sai sót là cố ý, có chủ đích, ông Cường cho rằng cần làm rõ ai là chủ mưu làm sai lệch hồ sơ vụ việc để xử theo quy định của pháp luật. Trường hợp các cá nhân liên quan thuộc các đối tượng theo luật định; cố tình làm sai lệch kết quả nhằm tạo chứng cứ giả mạo để đổ lỗi cho nạn nhân hoặc gây ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ việc, họ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015.

Khoản 1, Điều 375 quy định Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù 1-5 năm.

Như vậy, nếu việc kết quả xét nghiệm sai do lỗi cố ý và cá nhân liên quan thuộc một trong các nhóm đối tượng nêu trên, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hành vi dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch, khung hình phạt là 5-10 năm tù, còn nếu dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội, khung hình phạt là 10-15 năm tù.

Nói thêm về vụ việc, ông Cường cho rằng việc xác định nồng độ cồn là cần thiết, nhưng không phải yếu tố quyết định hướng giải quyết vụ việc. Vấn đề quan trọng để kết luận có khởi tố vụ án hình sự hay không là yếu tố lỗi của người lái ôtô.

co-quan-dieu-tra-dung-lai-hien-truong-vu-tai-nan-1659601882.jpg
Cơ quan điều tra dựng lại hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: A.K.

Căn cứ khởi tố tài xế ôtô

 

Nói về vụ việc, thượng tá Hà Công Sơn (Phó trưởng Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm) nhận định hành vi của tài xế Hoàng Văn Minh là lái xe chuyển hướng không an toàn, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Đây là lỗi về vi phạm an toàn giao thông đường bộ và khi đã chứng minh được lỗi thì phải khởi tố vụ án.

Nói về chi tiết này, luật sư Hà Kim Tâm (Chủ tịch Công ty Luật Onekey) cho biết theo Luật Giao thông đường bộ 2008, trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

Theo Điều 15 của Luật này, khi chuyển hướng phương tiện, người lái xe phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

co-quan-dieu-tra-buoc-dau-nhan-dinh-tai-xe-minh-da-chuyen-huong-xe-khong-an-toan-va-co-loi-khi-dieu-khien-phuong-tien-tham-gia-giao-thong-1659601943.jpg
Theo thượng tá Sơn, cơ quan điều tra bước đầu nhận định tài xế Minh đã chuyển hướng xe không an toàn và có lỗi khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Xuân Hoát.

Như vậy, nếu nhận định của cơ quan điều tra về việc tài xế Minh đã chuyển hướng ôtô không an toàn là chính xác, người này đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Với việc vi phạm quy định và làm một người chết, việc xử lý hình sự lái xe về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là có cơ sở.

Trích dẫn Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Tâm cho biết người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả làm chết một người thì sẽ bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Như vậy, mức án cao nhất mà lái xe này có thể đối mặt nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm tù.

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/yeu-to-hinh-su-trong-vu-nu-sinh-lop-12-bi-tong-o-ninh-thuan-351717.html