Dòng tiền tích cực, chứng khoán tháng 8/2022 màu gì?

Dự báo về triển vọng thị trường chứng khoán đã được đưa ra khi nhiều tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện.

Dòng tiền lan tỏa

Thị trường đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp với thanh khoản tích cực, dòng tiền lan tỏa đều các nhóm ngành. Kết phiên giao dịch ngày 3/8, VN-Index tăng 8,14 điểm (0,66%) lên 1.249,76 điểm, HNX-Index tăng 2,27 điểm (0,77%) lên 298,11 điểm, UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (0,21%) lên 90,32 điểm.

Cổ phiếu ROS giảm sàn trong phiên 3/8.

Khối lượng giao dịch hơn 929 triệu đơn vị, tương đương 20.207 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE nhỉnh hơn phiên trước với giá trị 15.309 tỷ đồng.

Ngân hàng phân hóa nhẹ khi PGB và VIB lần lượt giảm 1,8% và 1,5%, NAB, TCB, VPB, SSB giảm nhẹ, BAB, HDB, NVB đứng giá tham chiếu trong khi các mã khác tăng tích cực.

Dầu khí diễn biến tương tự khi PLX vẫn đỏ nhẹ lúc kết phiên, PVD lùi về giá tham chiếu, trong khi PVS, TDG, PVC, OIL, PVB, BSR, GAS, PVO, PVT ghi nhận mức tăng 0,4 - 4%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu tăng trần thuộc nhóm midcap và penny nổi bật trên HOSE, có thể kể đến như APG, HVX, NKG, PTL, TVB, VTO, HNG, SVI, DAT, HSG...

Đáng chú ý, trong nhóm này chỉ có duy nhất ROS giảm kịch sàn sau thông tin HOSE sắp đình chỉ giao dịch cổ phiếu ROS. Đây là mã duy nhất “nằm sàn” dù những cổ phiếu khác thuộc họ FLC như FLC, KLF, ADM, ART chỉ giảm hơn 2%.

Đáng chú ý, hôm nay có hơn 6,3 triệu cổ phiếu ROS được giao dịch ở mức giá sàn. Đến hết phiên vẫn còn hơn 11,6 triệu cổ phiếu “xếp hàng” chờ bán. Chốt phiên ROS giảm 6,94% về mốc 2.950 đồng/cổ phiếu.

VN-Index có thể biến động theo xu hướng ổn định

Mới đây, Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra báo cáo về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2022 và năm 2023. Theo SSI, thời gian tới nhà đầu tư trong nước tiếp tục phải lo lắng về các rủi ro bên ngoài, bao gồm lạm phát tại Mỹ, Fed tăng lãi suất và suy thoái toàn cầu. Tất cả những rủi ro này có thể dẫn đến những khả năng về kim ngạch xuất khẩu giảm sút, từ đó gây áp lực lên VND và nhu cầu trong nước yếu đi do lạm phát cao.

Trong khi số liệu kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2022 được kỳ vọng vẫn cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và mức tăng trưởng GDP cao (trên mức nền thấp của năm 2021), thì diễn biến vĩ mô năm 2023 có thể có nhiều khó khăn hơn.

Trong nửa đầu năm 2023, nhiều khả năng chỉ số CPI sẽ bật tăng cao vượt mức mục tiêu 4%, trong khi đó tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu chậm dần lại. Áp lực tăng giá đối với nhiều nhóm hàng hóa/dịch vụ vốn thuộc nhóm Nhà nước quản lý về giá (như điện, nước, giáo dục, y tế...) là khó có thể tránh khỏi. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện tại đang là kiểm soát lạm phát, sau đó là tăng trưởng khi rủi ro lạm phát giảm dần.

Mặc dù các thách thức và rủi ro hầu hết sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023 hoặc 2024, SSI vẫn kỳ vọng thị trường chứng khoán có thể phản ánh trước tương lai và tạo đáy sớm hơn, do các đợt điều chỉnh gần đây đã phản ánh được một phần những thách thức và rủi ro này. Kịch bản tốt nhất là chỉ số VN-Index có thể biến động theo xu hướng sideway (ổn định) cho đến khi các rủi ro và bất ổn lớn được giải quyết.

SSI cũng đánh giá, ngành ngân hàng được dự báo tiếp tục có những kết quả khả quan trong ngắn hạn, do rủi ro từ bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự lộ diện rõ nét. Không tính lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 14,5 lần và 13,1 lần, đây không phải là mức quá hấp dẫn so với mức trong quá khứ.

Ngoài ra, các ngành đang có sự phân hóa khá rõ nét với mức tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh ở những thời điểm khác nhau. Một số ngành được dự báo triển vọng lợi nhuận không khả quan trong 1-2 quý tới, và trên thực tế giá cổ phiếu những ngành này đã bắt đầu điều chỉnh từ khi tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh (ví dụ ngành thép với tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh trong quý 2 năm 2021). Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận ở một số ngành khác vẫn chưa đạt mức đỉnh. SSI khuyến nghị giảm tỷ trọng đối với những ngành mà lợi nhuận đã đạt đỉnh trong quý 2 hoặc quý 3 năm 2022.

SSI đưa ra quan điểm, năm 2023 sẽ là một năm tăng trưởng dựa vào hoạt động đầu tư. Các gói kích thích kinh tế có thể giải ngân mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022, nhưng SSI dự đoán phần lớn các gói kích thích này sẽ được giải ngân vào năm 2023. Mặt khác, FDI vẫn là động lực quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam. Cả hai yếu tố này sẽ là chủ điểm đầu tư của Việt Nam trong dài hạn.

Link nội dung: https://biztoday.vn/dong-tien-tich-cuc-chung-khoan-thang-82022-mau-gi-351726.html