CC1: 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục 2.071,6 tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 – CTCP (mã CC1 – sàn UPCoM) tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu để bù đắp dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục.

Thoát lỗ quý II nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác

Trong quý II/2022, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 ghi nhận doanh thu đạt 1.663,65 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 14,17 tỷ đồng, tăng 250,7% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 4,2% lên 7,2%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 118% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 64,84 tỷ đồng lên 119,81 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 146,2%, tương ứng tăng thêm 56,93 tỷ đồng lên 95,88 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 215,4%, tương ứng tăng thêm 92,28 tỷ đồng lên 135,12 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 100,3%, tương ứng tăng thêm 38,02 tỷ đồng lên 75,92 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 17,56 tỷ đồng lên 18,3 tỷ đồng (cùng kỳ 0,74 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), quý II, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ thêm 91,23 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 25,77 tỷ đồng, tức tăng lỗ 65,46 tỷ đồng.

Như vậy, Công ty chỉ thoát lỗ trong kỳ chủ yếu do ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khác.

Công ty cho biết thêm thu nhập khác tăng chủ yếu do việc thanh lý, nhượng bán tài sản trong kỳ.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 ghi nhận doanh thu đạt 2.838,71 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 30,64 tỷ đồng, giảm 56,4% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 11.252 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 396 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 39,85 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 10,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Dòng tiền âm kỷ lục 2.071,6 tỷ đồng

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 2.071,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 639,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.811,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 3.492,9 tỷ đồng, chủ yếu phát hành thêm cổ phiếu và tăng vay nợ.

Được biết, kể từ năm 2017 (lần niêm yết đầu tiên của cổ phiếu CC1) tới nay, chưa năm nào dòng tiền âm kỷ lục như trong 6 tháng đầu năm, giá trị âm lớn nhất từ khi niêm yết tới nay là năm 2020 với giá trị âm 1.134,81 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Tổng Công ty Xây dựng Số 1 tăng 30,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.640,1 tỷ đồng lên 15.662,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 6.924,4 tỷ đồng, chiếm 44,2% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 2.340,7 tỷ đồng, chiếm 14,9% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.585,9 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.441,5 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 40,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.997,2 tỷ đồng lên 6.924,4 tỷ đồng; các khoản phải thu dài hạn tăng 169,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.473,4 tỷ đồng lên 2.340,7 tỷ đồng; tồn kho tăng 14,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 185,2 tỷ đồng lên 1441,5 tỷ đồng.

Cơ cấu trả trước cho người bán ngắn hạn tới 30/6/2022 (Nguồn: BCTC).

Điểm đáng lưu ý, trả trước người bán ngắn hạn tăng thêm 1.632,6 tỷ đồng lên 3.954 tỷ đồng. Trong đó, trả trước cho CTCP Keytech tăng thêm 466,1 tỷ đồng lên 1.128,2 tỷ đồng; các nhà cung cấp khác tăng thêm 599,5 tỷ đồng lên 1.116,2 tỷ đồng; xuất hiện thêm các khoản phải trả cho người bán mới đối với Công ty TNHH ĐT và PT Năng Lượng HIGG (58,9 tỷ đồng); Công ty TNHH Một thành viên BCA – Thăng Long (49,4 tỷ đồng) …

Phải thu khác dài hạn của CC1 tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022 (Nguồn: BCTC).

Phải thu dài hạn khác tăng 1.472 tỷ đồng lên 2.276,5 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu xuất hiện mới 750 tỷ đồng hợp tác kinh doanh tại Công ty TNHH MTV XD Golden Buiding cùng đầu tư dự án Khu đô thị Đông Trung Bình Dương; 603 tỷ đồng hợp tác kinh doanh tại Công ty cổ phần TMDV ĐT Địa ốc Đất Vàng cùng đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Trị An Lake View…

Như vậy, 3 khoản mục các khoản phải thu ngắn hạn, dài hạn và tồn kho tổng tăng thêm 3.655,8 tỷ đồng, tương đương với mức tăng lên của tổng tài sản.

Ngược lại, phần tài sản giảm chủ yếu là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 28,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 486 tỷ đồng về 1.201,8 tỷ đồng.

Phía nguồn vốn, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 19,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.168,9 tỷ đồng lên 7.112,7 tỷ đồng và chiếm 45,4% tổng nguồn vốn.

Thêm nữa, trong tháng 3/2022, Công ty cho biết đã chào bán 205,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động vốn với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý II, Công ty ghi nhận thu được 2.053,4 tỷ đồng từ cổ đông.

Như vậy, tổng tiền huy động và tổng nợ vay tăng thêm tính tới cuối quý II so với đầu năm là 3.222,5 tỷ đồng, nhỏ hơn phần tăng thêm của các khoản phải thu ngắn hạn, dài hạn và tồn kho.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền huy động từ nợ vay, phát hành thêm cổ phiếu và giảm lượng tiền mặt chủ yếu chảy vào gia tăng các khoản phải thu ngắn hạn, dài hạn và tồn kho.

Cơ cấu cổ đông của CC1 tới 30/6/2022 (Nguồn: BCTC).

Một điểm đáng lưu ý, mặc dù Công ty thực hiện tăng vốn điều lệ từ 1.143,86 tỷ đồng lên 3.196,74 tỷ đồng nhưng sau 6 tháng đầu năm, cơ cấu cổ đông lại có sự biến động khi cổ đông Trần Tấn Phát đã giảm sở hữu từ 12,45% về còn 0% vốn điều lệ và Công ty chỉ có 1 cổ đông lớn là ông Nguyễn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT Công ty sở hữu 11,02% vốn điều lệ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/8, cổ phiếu CC1 tăng 100 đồng lên 14.300 đồng/cổ phiếu.

Link nội dung: https://biztoday.vn/cc1-6-thang-dau-nam-2022-dong-tien-kinh-doanh-am-ky-luc-20716-ty-dong-351741.html