Lạm phát đến, đầu tư vào nhóm cổ phiếu nào?

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%, thấp hơn so với mức mục tiêu ổn định 4% của Chính phủ.

Áp lực lạm phát từ nửa cuối năm 2022 sẽ rõ ràng hơn

 

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có lạm phát thấp trên thế giới. Tuy nhiên, lạm phát bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc khi CPI tăng 3,4% so với cùng kỳ vào tháng 6, từ mức 2,86% trong tháng 5. Số liệu CPI mới nhất tháng 7 tăng 0,4% so với tháng 6 và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

tang-truong-cpi-theo-quy-va-theo-thang-1659668555.jpg

Tăng trưởng CPI theo quý và theo tháng. Ảnh: VCBS

Giá xăng dầu neo cao là nguyên nhân chính khiến “sức nóng” lạm phát tỏa ra mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu và ở trong nước. Ngoài ra, lạm phát còn chịu ảnh hưởng bởi nhóm hàng hàng lương thực, thực phẩm – nhóm có trọng số lớn trong rổ tính CPI.

Theo Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm luôn được đảm bảo. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên thời gian qua giá cả tương đối ổn định.

“Tuy nhiên, việc thế giới có nguy cơ đối diện với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ tạo áp lực lên tiêu dùng trong nước”, đại diện Tổng cục Thống kê nhận định.

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lưu ý, lạm phát ở Việt Nam chưa phải vấn đề quá nóng nhưng nguy cơ và sức ép đang hiện hữu, do đó cần phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả.

Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng áp lực lạm phát thậm chí có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới ở mức cao và phản ánh nhiều hơn vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Không loại trừ áp lực lạm phát vòng hai do giá xăng dầu tăng cao. VCBS dự báo lạm phát năm 2022 có khả năng vượt mục tiêu 4% của Quốc hội tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực.

Còn trong báo cáo Chiến lược thị trường Tháng 7, SSI Research cho biết, áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng rõ ràng hơn, và mặc dù mức lạm phát bình quân trong năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát (ước tính 3,5%), lạm phát tại thời điểm cuối tháng 12 có thể bật lên mức 5% so với cùng kỳ. Điều này cũng khiến mức lạm phát bình quân, đặc biệt ở nửa đầu năm 2023 có thể đẩy lên mức cao trên 4%.

Tình hình kinh tế chung cũng kém lạc quan do các căng thẳng địa chính trị. Kèm theo đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau vẫn đang leo thang và khả năng bùng phát làn sóng dịch bệnh mới cũng là rủi ro đáng kể đe dọa triển vọng phục hồi nền kinh tế, theo VCBS.

Ảnh hưởng của lạm phát đến thị trường chứng khoán

Theo SSI Research, sức ép của lạm phát và xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến hầu hết các thị trường chứng khoán lớn đều đi xuống trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, chỉ số S&P 500 (TTCK Mỹ) giảm 19,9%, chỉ số Stoxx600 (TTCK Châu Âu) giảm 16,2%. Riêng 2 chỉ số MSCI Asia Pacific và MSCI EM cũng mất lần lượt 17,3% và 20%

xu-huong-chung-cua-cac-thi-truong-chung-khoan-tren-the-gioi-1659668587.jpg

Xu hướng chung của các thị trường chứng khoán trên thế giới. Ảnh: SSI Research

Không nằm ngoài xu hướng, TTCK Việt Nam có tháng điều chỉnh thứ 3 liên tiếp. Chỉ số VNIndex đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 tại 1.197,6 điểm, mất 95,08 điểm (-7,36%) so với thời điểm cuối tháng 5. Tính đến 3/8, chỉ số đại diện TTCK Việt Nam đã mất khoảng 17% điểm so với đầu năm.

vnindex-giam-diem-manh-tu-dau-nam-1659668623.jpg
VNIndex giảm điểm mạnh từ đầu năm. Ảnh: TradingView

Khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2022 được VCBS dự báo giảm 18-20% so với năm 2021, đạt bình quân khoảng 800-820 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn. Mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN-Index, có thể lên đến 1.580 điểm - tương đương tăng khoảng 6% so với mức đỉnh của năm 2021.

 

Lựa chọn cổ phiếu đầu tư trong thời kỳ lạm phát

 

Trong khoảng thời gian 1 năm tới, SSI Research cho rằng “cổ phiếu phòng thủ” là lựa chọn đầu tư hợp lý trong thời kỳ lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt. Rổ ưa thích là các công ty có thể đạt được sự phục hồi về doanh thu, cũng như cải thiện tỷ suất lợi nhuận, bao gồm SAB, VNM - Vinamilk, QNS, MSN (MCH).

Trong báo cáo chiến lược tháng 7, SSI Research cũng cho biết “Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể xem xét lại cổ phiếu VNM, vốn đã bị giảm định giá trong thời gian dài, vì chúng tôi dự báo công ty sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 11% vào năm 2023 sau 2 năm sụt giảm lợi nhuận (2020-2021), nhờ tăng trưởng doanh thu ở mức một con số và tỷ suất lợi nhuận cải thiện do giá sữa bột có xu hướng điều chỉnh giảm”.

Tại mức giá hiện tại, Vinamilk đang được giao dịch ở mức 2022 P/E là 17,3 lần và 2023 P/E ở mức 15,6 lần, là mức chiết khấu đáng kể so với định giá của công ty trong quá khứ cũng như các doanh nghiệp hàng tiêu dùng cùng ngành trong khu vực. SSI Research kì vọng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các công ty thực phẩm và đồ uống với các yếu tố cơ bản tốt, cổ tức đều đặn và lợi nhuận duy trì ổn định có thể là điểm đến của dòng tiền đầu tư.

Giá sữa bột nguyên liệu đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" từ tháng 3-4/2022 nên kì vọng các quý cuối năm áp lực lên biên lợi nhuận gộp sẽ giảm bớt. SSI Research cũng kì vọng tăng trưởng doanh thu sẽ tăng tốc trong các quý sau của năm 2022.

bien-loi-nhuan-du-doan-cai-thien-vinamilk-duoc-ky-vong-tang-truong-cac-quy-sau-cua-nam-2022-1659668661.jpg

Biên lợi nhuận dự đoán cải thiện, Vinamilk được kỳ vọng tăng trưởng các quý sau của năm 2022.

2 năm qua, giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất nói chung và Vinamilk chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và các vấn đề về kinh tế - chính trị thế giới. Vì vậy, việc giá nguyên liệu bước vào giai đoạn điều chỉnh sẽ là tín hiệu tích cực góp phần cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia chứng khoán khác cũng cho rằng việc nắm giữ những cổ phiếu cơ bản tốt sẽ giúp các nhà đầu tư đi qua "cơn bão" an toàn, thậm chí, đạt lợi nhuận khá tốt nếu may mắn mua được cổ phiếu cơ bản tốt vùng đáy. Một ví dụ điển hình, ở nhịp giảm thứ 2 sau khi thị trường hồi phục lại ngưỡng 1.300 điểm, khi VnIndex mất đi hàng trăm điểm, thì những cổ phiếu cơ bản như VNM cũng không có nhiều biến động, cùng với đó, những nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu cơ bản này sẽ không phải rơi vào tình thế khủng hoảng, bán tháo cổ phiếu như những nhóm cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu "nóng".

lam-phat-1659668708.jpg

Dù thị trường chứng khoán đã mấy lần nỗ lực hồi phục sau “bão”, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng thị trường chứng khoán vẫn còn những nhịp rung lắc mạnh, việc lựa chọn những cổ phiếu cơ bản để “tránh bão” là một trong những ưu tiên của các nhà đầu tư hiện tại.

Link nội dung: https://biztoday.vn/lam-phat-den-dau-tu-vao-nhom-co-phieu-nao-352216.html