Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh thường niên 2022 với chủ đề “Tái tạo tăng trưởng” do Forbes Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022 theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra từ đầu năm, ngay cả chiến sự giữa Nga và Ukraine có căng thẳng hơn.
Theo ông Thành, áp lực lạm phát với Việt Nam hiện nay là do chi phí đẩy, chủ yếu là giá năng lượng. Do đó, nếu giá dầu thế giới không vượt 120 USD/thùng, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022 dưới 4%.
Tuy nhiên, nếu giá dầu vượt 120 USD thì việc kiểm soát lạm phát sẽ là thách thức với Việt Nam. Khi ấy, hy vọng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng không còn, khả năng lạm phát có thể trên 4% khiến cơ quan quản lý phải dùng đến những biện pháp hạ nhiệt như giảm thuế, phí…
Phân tích về giá dầu, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng khả năng giá dầu tăng mạnh trở lại cũng không cao. "OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh) không tăng cung nhưng nhìn vào lượng dầu dự trữ, kinh tế toàn cầu suy giảm thì áp lực tăng giá dầu từ nay đến cuối năm cũng mờ nhạt", ông Thành nói.
Trong thời gian gần đây, giá dầu thô liên tục giảm. Sáng ngày 5/8/2022, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, trước cả khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra vào cuối tháng 2/2022.
Với giá dầu ở mức 100 USD/thùng như hiện nay thì giá xăng tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn sẽ có nhiều dư địa để giảm. Theo đó, bức tranh lạm phát của Việt Nam những tháng cuối năm cũng sẽ rất khả quan.
Trước đó, tại toạ đàm "Vòng xoáy lạm phát - Kiểm soát chi phí đẩy" ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2022 tăng 1,92% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy cao hơn mức tăng 0,29% của năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của các năm từ 2017-2020. CPI quý I/2022 của Việt Nam được kiểm soát tốt trong bối cảnh nhiều quốc gia chịu "bão" giá xăng dầu.
Trong tháng 2, một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ có chỉ số giá tăng 7,9%, Anh 6,22%, Đức 5,1%, Ý 5,7%, Trung Quốc và Nhật Bản tăng 0,9%. Trong khi đó các nước ASEAN có chỉ số giá tăng tương đồng với Việt Nam, như Malaysia, Indonesia tăng khoảng 2%, trừ Thái Lan tăng cao hơn ở mức 5,3%.
So sánh cho thấy, quý I/2022, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 1,9% dù đây là mức cao nhưng vẫn kiểm soát tốt trong "vòng xoáy" giá vừa qua.
Trong quý I, giá xăng dầu tăng tác động làm CPI tăng 1,76%. Ngoài ra, giá gas tăng 21,04%, giá vật liệu nhà cửa tăng 8,08%, giá gạo tăng 1,1% là những nguyên nhân chính làm CPI quý I tăng 1,92%.
Ngược lại, chỉ số CPI giảm ở một số nhóm hàng hoá như thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước làm CPI giảm 0,26%, trong đó giá thịt lợn giảm mạnh. Bên cạnh đó, dịch vụ giao dịch giảm 4,24%, giá thuê nhà ở quý I giảm 15,14% so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy, quý I/2022 mức giá tăng nhưng đã được quản lý tốt.
Về CPI thời gian tới, ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng Việt Nam đang trở lại trạng thái bình thường mới, học sinh quay lại học tập, sản xuất kinh doanh mở lại sẽ tăng mức tiêu thụ lương thực thực phẩm, nhóm này sẽ tác động lên giá tiêu dùng nhiều vì nhóm hàng ăn chiếm đến 33,36%.
Trong 2 năm qua, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì COVID-19. Do đó, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước là cố gắng đáp ứng vốn cho nền kinh tế, bao gồm cả vấn đề lãi suất (3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất cho vay…).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để chủ động giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Thực tế, trong 2 năm qua, mặt bằng lãi suất cho vay khá thấp. Điều này hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp. "Qua theo dõi ,thì chúng tôi thấy rằng đa phần vốn đi vào sản xuất kinh doanh. Như vậy, tín dụng đang tạo điều kiện và hỗ trợ cho nền kinh tế, cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế", ông Nguyễn Đức Long chia sẻ.
Link nội dung: https://biztoday.vn/viet-nam-kim-lam-phat-duoi-muc-4-theo-dung-muc-tieu-353658.html