Chính thức giảm 50% thuế nhập khẩu xăng dầu

Thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu ưu đãi diện tối huệ quốc (MFN) từ các quốc gia thành viên WTO sẽ được giảm từ 20% hiện nay xuống 10% bắt đầu từ ngày 08/8/2022.

Thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu giảm xuống 10% từ ngày 8/8/2022

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Chính thức giảm 50% thuế nhập khẩu xăng dầu - Ảnh 1.

Chính phủ đồng ý giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu cho các đối tác MFN trong WTO để đa dạng nguồn cung, giảm khan hiếm (ảnh VNN).

Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) được điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10%.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung.

Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện nay chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn). 

Trong khi đó, ở nước ta, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn theo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5RON92, 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.

Đánh giá tác động đến thu ngân sách, theo Bộ Tài chính, hiện nay, mặt hàng xăng được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên thuộc diện được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu FTA thấp hơn so với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết 7 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu 5,4 triệu tấn xăng dầu các loại, kim ngạch đạt 5,7 tỷ USD, trong đó mặt hàng xăng đạt hơn 990.000 tấn, kim ngạch hơn 1,1 tỷ USD, dầu diesel là 3,1 triệu tấn, kim ngạch 3,3 tỷ USD.

Tổng lượng xăng dầu nhập khẩu tăng hơn 700.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trên 14,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng rất mạnh 3,1 tỷ USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm trước.

Mức giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu bình quân 7 tháng đầu năm về Việt Nam đạt 24,7 triệu đồng/tấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu đến từ các nước mà Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do song hoặc đa phương, được hưởng thuế suất ưu đãi từ 8-10%. 

Cụ thể là Hàn Quốc, Malaysia và Singapore, ba đối tác này đã cung ứng hơn 3,86 triệu tấn xăng dầu vào Việt Nam, chiếm khoảng 71,4% tổng lượng xăng dầu thành phẩm nhập về Việt Nam, trong đó xăng dầu Hàn Quốc là 2,3 triệu tấn, kim ngạch 2,16 tỷ USD, xăng dầu Malaysia là hơn 814.000 tấn, kim ngạch hơn 750 triệu USD, xăng dầu Singapore là hơn 752.000 tấn, kim ngạch hơn 786 triệu USD.

Thực tế, trước khi Chính phủ cho phép giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng dầu ở các quốc gia khác trong WTO, số thuế suất chênh lệch từ 20% và 8%, 10% quá lớn, doanh nghiệp đầu mối chủ yếu nhập từ các đối tác có FTA.

Tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu ở các đối tác FTA cao do đó việc Chính phủ giảm thuế suất MFN đối với thuế xăng dầu không ảnh hưởng quá nhiều đến thu ngân sách bởi hầu hết số xăng dầu nhập khẩu từ các đối tác khác chiếm số lượng không nhiều.

Theo Bộ Tài chính, trong trường hợp các điều kiện khác không thay đổi thì việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.

Link nội dung: https://biztoday.vn/chinh-thuc-giam-50-thue-nhap-khau-xang-dau-354598.html