Ghi khống giá trị giao dịch để né thuế
Ngày 11/8, Chi cục Thuế quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến vụ hàng trăm trường hợp kê khai thuế giao dịch bất động sản chênh lệch, gian dối, nhằm trốn lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Trước đó, dư luận Cần Thơ xôn xao về hành vi được cho là trốn thuế của nhiều cá nhân mua bán đất xảy ra tại Văn phòng Công chứng (VPCC) Đỗ Thị Hà.
Hành vi bị tố là 2 bên mua bán đất ghi giá trị trên hợp đồng thấp so với giá trị giao dịch thực tế để công chứng, sau đó ký thêm phụ lục hợp đồng với giá trị thực tế cao hơn gấp nhiều lần.
Kiểm tra hồ sơ cho thấy có những giao dịch ghi giá trị thực tế thấp hơn 5 lần so với giao dịch.
Qua đó, nhằm mục đích trốn thuế TNCN và lệ phí trước bạ. Các đối tượng chỉ kê khai theo hợp đồng chính mà không kê khai theo giá trị giao dịch thực tế như trong phụ lục hợp đồng.
Chỉ riêng VPCC Đỗ Thị Hà đã cung cấp gần 400 hồ sơ, trong đó đang tiến hành làm rõ gần 150 hồ sơ, số còn lại đang tiếp tục xác minh sau.
Trong số này, Cục Thuế Cần Thơ đã chuyển qua cơ quan điều tra 15 hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi trốn thuế trên 100 triệu đồng. Và tiếp tục mời hàng trăm đối tượng trốn thuế khác lên kê khai lại thuế, nộp tiền chênh lệch vào ngân sách nhà nước.
Theo Chi cục Thuế quận Ninh Kiều, vụ gian lận thuế được phát hiện sau khi có thông tin tố cáo từ người dân đến Cục Thuế Cần Thơ về việc có hành vi trốn thuế trong các hợp đồng giao dịch kinh doanh bất động sản tại phòng công chứng Đỗ Thu Hà.
Trong danh sách này, Chi cục Thuế quận Ninh Kiều đã sàng lọc và phát hiện trên địa bàn quận có 126 trường hợp trốn thuế.
Ông Lâm Trần Hưởng, Đội phó Đội Kiểm tra thuế số 1, Chi cục Thuế quận Ninh Kiều cho biết: “Theo quy định hiện hành, trong giao dịch bất động sản buộc phải kê khai, nộp 2% thuế TNCN và 0,5% lệ phí trước bạ.
Đối với các hồ sơ kê khai gian dối với số tiền từ 5 tỷ đồng trở lên, Chi cục Thuế Ninh Kiều đã chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Trong 126 trường hợp trốn thuế có 68 trường hợp chi cục đã giải quyết cho kê khai lại, nộp thuế lại với số tiền gần 7,5 tỷ đồng. Trong đó, thuế thu nhập cá nhân thu được 5,9 tỷ đồng, lệ phí trước bạ 1,4 tỷ đồng”.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo tìm hiểu của PV, hợp đồng kê khai thuê chênh lệch nhiều nhất được thực hiện tại VPCC Đỗ Thu Hà. Có giá trị giao dịch thực tế 26 tỷ đồng, nhưng kê khai nộp thuế chỉ có 5 tỷ đồng và trốn kê khai thuế đối với số tiền 21 tỷ đồng chênh lệch.
Đến nay đã có 15 hồ sơ đã được chuyển sang công an, với tổng số tiền giao dịch bất động sản thực tế là 129 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền kê khai thuế của 15 hồ sơ này chỉ chiếm 15,3 tỷ đồng.
Sau khi phát hiện vụ việc, Chi cục Thuế quận Ninh Kiều đã có công văn đề nghị 4 phòng công chứng còn lại trên địa bàn cung cấp hồ sơ. Qua đó, tiếp tục phát hiện hàng trăm hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế và đang tiếp tục rà soát, xử lý.
Cụ thể, tại phòng công chứng Cửu Long có 180 hồ sơ, phòng công chứng Huỳnh Thị Thúy Kiều 61 hồ sơ; phòng công chứng 24 Giờ có 336 hồ sơ và phòng công chứng Lê Cẩm Lành 50 hồ sơ.
Do đang trong quá trình điều tra nên cơ quan thuế quận Ninh Kiều chưa thể công khai danh sách cá nhân hay tổ chức trốn thuế.
Trao đổi với PV Giao Thông, ông Cáp Quí Phúc, Cục trưởng Cục Thuế Cần Thơ, cho biết tính đến nay có khoảng 250 hồ sơ đến kê khai, nộp thuế lại sau khi đã giao dịch bất động sản.
Hiện đơn vị đã chỉ đạo cho rà soát lại tất cả những sơ sơ có liên quan đến vụ việc. Theo quy định, thẩm quyền truy thu thuế thuộc Chi cục thuế các quận, huyện, và Cục Thuế TP đang chỉ đạo những đơn vị này báo cáo, làm rõ toàn bộ vụ việc.
Luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), cho biết: "Theo quy định hiện nay, trong các giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phải lập hợp đồng".
Khoản 1 Điều 502 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định “Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Ngoài ra, theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy, hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một trong những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng này. Do đó, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải thành lập thành văn bản theo quy định và được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã.
Bên cạnh đó, khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người dân phải nộp các khoản như thuế TNCN, thuế sử dụng đất, lệ phí trước bạ, phí công chứng…
Và để “né” thuế nhằm tiết kiệm một chút tiền, những người này đã thỏa thuận kê khai giá mua bán trong hợp đồng công chứng thấp hơn rất nhiều so với giá trị giao dịch thực tế.
Chẳng hạn như 1 nền đất có giá trị 1 tỷ đồng, nhưng họ chỉ ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 400 triệu đồng. Sau đó, họ lập thêm một phụ lục hợp đồng (để quy định chi tiết, bổ sung, sửa đổi những điều khoản cho hợp đồng chính dựa vào nhu cầu của các bên).
Trong phụ lục này sẽ ghi rõ giá trị thực của giao dịch mua bán, và cũng là cơ sở để các bên “làm tin” với nhau. Khi kê khai nộp thuế, họ chỉ đưa ra hợp đồng mua bán chính thức với giá trị thấp để nộp thuế thấp.
Về mặt quy định, những phụ lục hợp đồng nêu trên sẽ được lưu lại tại các VPCC. Nên chỉ cần kiểm tra, rà soát sẽ phát hiện điểm bất thường trong các hợp đồng mua bán. Cụ thể là giá trị mua bán trong hợp đồng chính và phụ lục chênh lệch nhau rất lớn.
Theo phân tích ở trên, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào giá trị ghi trên hợp đồng chuyển nhượng để thu thuế, dẫn đến gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Đây được xem là một trong những hành vi trốn thuế. Tuỳ vào mức độ, số tiền thuế bị thiếu, người nộp thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, khi các bên lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thì bị phạt ít nhất là 1 lần số thuế trốn và cao nhất là 3 lần số tiền thuế trốn.
Ngoài bị phạt, người khai gian để trốn thuế còn phải nộp đủ số thuế đã trốn vào ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, nếu hết thời hạn thì người nộp thuế không phải nộp tiền phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế đã trốn cùng tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, người có hành vi kê khai giá trị trên hợp đồng chuyển nhượng nhà đất thấp hơn thực tế để trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế, được quy định tại Điều 200 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
Link nội dung: https://biztoday.vn/can-tho-dieu-tra-hang-tram-truong-hop-tron-thue-mua-ban-dat-356038.html