Ngân hàng Nhà nước chia 'miếng bánh' gần 480.000 tỷ đồng ra sao?

Dự tính sẽ có thêm khoảng 478.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế trong 5 tháng cuối năm, thời điểm này rất nhiều nhà băng kỳ vọng quyết định của NHNN về việc phân bổ ''room'' tín dụng cho các NHTM sẽ sớm được thông qua và công bố.

Mới đây, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp tương đối “rắn” trong điều hành tiền tệ. Trong đó có vấn đề nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một lần nữa được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 14%.

Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn khoảng 478.000 tỷ đồng

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tăng trưởng tín dụng đến ngày 26/7 đạt 9,42%. Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 5 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm gần 4,6%, tương đương quy mô khoảng 478.000 tỷ đồng.

du-bao-trong-quy-iii-mot-so-nha-bang-nhu-mb-vietinbank-bidv-techcombank-vpbank-acb-tpbank-se-duoc-nhnn-cap-them-han-muc-tin-dung-1660536700.jpgDự báo trong quý III một số nhà băng như MB, VietinBank, BIDV, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank... sẽ  được NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng. (Ảnh: Int)

Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp mới đây, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các ngân hàng thương mại cho rằng, Chính phủ đang thực hiện chương trình phục hồi kinh tế. Trong đó có gói kích cầu quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, với 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại trong vòng 2 năm từ 2022-2023.

Ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Sang năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay 14%, chỉ còn khoảng 500.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm. Như vậy, để triển khai chương trình này, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải tăng hạn mức tín dụng lên 15-16% cho năm nay.

Trong thông điệp gửi tới các doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo được các mục tiêu: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng.

Thời gian tới NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.

Rõ ràng, trong thông điệp này Thống đốc Nguyễn Thị Hồng một lần nữa khẳng định sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tín dụng trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, NHNN đến nay vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay. Tuy nhiên, Thống đốc vẫn "bật đèn xanh" về khả năng điều chỉnh room tín dụng cho một số ngân hàng từ nay cho tới cuối năm. 

Ngân hàng nào sẽ được nới room nhiều nhất?

Câu hỏi đặt ra là trong "miếng bánh" gần 500.000 tỷ đồng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ "chia lại" như thế nào?. Thực tế thì hiện nay, nhiều ngân hàng đang kỳ vọng sẽ được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng trong tháng này.

Theo Phó Tổng giám đốc VPBank Lưu Thị Thảo, ''room'' tín dụng hiện không chỉ là vấn đề của VPBank mà cũng là "nỗi đau đầu" của rất nhiều ngân hàng trong hệ thống. VPBank kỳ vọng quyết định của NHNN về việc phân bổ ''room'' tín dụng cho các NHTM sẽ sớm được thông qua và công bố.

Theo đánh giá của SSI Research, NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý, kỳ vọng có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. ''NHNN vẫn đang phát tín hiệu khá thận trọng trong hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay và việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng với mức độ sẽ không quá cao''. SSI Research cho hay.

Giới phân tích cho rằng, các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội (miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các TCTD…).

Với những tiêu chí này, một số công ty chứng khoán đưa ra nhận định: MB cùng với Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank... là những ngân hàng có CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt. Hơn nữa, trong nhóm này, Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng là 3 trong số nhà băng có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế theo lời kêu gọi của NHNN trong giai đoạn đại dịch Covid -19. Do đó, những ngân hàng này sẽ được NHNN xem xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.

Ngoài ra, một số ngân hàng như: Vietcombank, MB, VPBank cũng có thể được nới ''room'' cao hơn mặt bằng chung khi ngân hàng này đã sử dụng hết hạn mức được tạm cấp từ đầu năm và có kế hoạch nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém.

Chứng khoán Bảo Việt ước tính, Vietcombank có thể được nới ''room'' tín dụng lên khoảng 19%, trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng của MB có thể đạt khoảng 25%.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ngan-hang-nha-nuoc-chia-mieng-banh-gan-480000-ty-dong-ra-sao-358319.html