Theo đó, UBND TP.HCM đang xây dựng lại phương án, lộ trình đấu giá đất, kiểm tra trình tự thủ tục làm cho chặt chẽ, để đảm bảo các doanh nghiệp trúng đấu giá đưa các lô đất vào sử dụng đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Thành phố vẫn làm theo đúng trình tự thủ tục hiện hành. Khi nào trình tự, thủ tục có thay đổi, thành phố mới thay đổi.
“Trong việc đấu giá các khu đất vừa rồi, thành phố đã làm đúng trình tự đấu giá, chỉ khi nào trình tự thủ tục thay đổi, thành phố mới thay đổi. Các cơ quan Trung ương cũng đã kiểm tra việc thực hiện của thành phố và khẳng định thành phố thực hiện đúng quy trình. TP.HCM là cơ quan thực thi nên thành phố phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật. Tôi thấy pháp luật đã quy định rõ ràng, đơn vị nào bỏ cọc thì thu hồi số tiền đặt cọc", ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay.
Trước câu hỏi liệu lần đấu giá này có lặp lại như trước khi mà doanh nghiệp bỏ giá cao rồi “bỏ của chạy lấy người”, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng khi tham gia đấu giá, doanh nghiệp đưa ra giá nào là quyền của họ và khi đó doanh nghiệp nào bỏ giá cao sẽ trúng đấu giá, đó là quy định tại thời điểm này. Hiện đã có quy định, các cơ quan chức năng cũng không thể làm khác khi các quy định pháp luật chưa thay đổi.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết thành phố đang nghiên cứu, chưa “chốt” giá và ngày cụ thể cho lần đấu giá này. Khi nào có sẽ thông tin mọi thứ đều công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trước đó, vào ngày 10.12.2021, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM đã tổ chức đấu giá thành công 4 lô đất Thủ Thiêm, với số tiền trúng đấu giá hơn 37.000 tỉ đồng. Cụ thể, Công ty TNHH thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 với giá 5.026 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ đồng/m2, gấp 7 lần giá khởi điểm. Đặc biệt Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt sau 70 lần trả giá và trúng thầu với gần 2,44 tỉ đồng/m², gấp 8,3 lần giá khởi điểm. Đây là mức giá cao chưa từng có trong lịch sử đấu giá đất tại VN.
Tuy nhiên lần lượt sau đó, các doanh nghiệp trúng đấu giá đã bỏ cọc với tổng số là hơn 1.051 tỉ đồng, tương đương 20% giá khởi điểm. Số tiền này đã thuộc về ngân sách thành phố.
Mở đầu cho cuộc “tháo chạy” này là Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) gửi tâm thư xin bỏ cọc vào cuối tháng 1. Sau đó, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh có văn bản xin bỏ cọc lô đất 3-9.
Đến tháng 7, thời hạn cuối cùng của 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty Dream Republic và Sheen Mega nộp tiền nhưng 2 đơn vị này vẫn không nộp nên mất cọc do hợp đồng bị hủy hợp đồng.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau thời điểm 2 doanh nghiệp đấu giá đất Thủ Thiêm quá hạn 180 ngày, địa phương đã giao các sở ngành chuyên môn tham mưu về việc hủy kết quả trúng đấu giá.
Qua vụ việc đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cùng các bên nghiên cứu, rà soát lại quỹ nhà, đất sẽ đấu giá. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ quyết định lại lô nhà, đất nào có thể đấu giá và nơi nào cần dừng lại. Sau khi rà soát, UBND TP.HCM sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy để cho ý kiến. Thường vụ cho ý kiến đến đâu sẽ làm đến đó. Tinh thần là cái nào có thể đấu giá thì tiến hành đấu giá.
Link nội dung: https://biztoday.vn/so-phan-4-lo-dat-bi-bo-coc-o-thu-thiem-se-ra-sao-358410.html