Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, sau 30 năm xây dựng, các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn thành phố hoạt động rất hiệu quả, đóng góp tỷ trọng lớn trong công nghiệp và xuất khẩu của địa phương.
Báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, đến nay, thành phố đã có 19 khu chế xuất - khu công nghiệp được thành lập. Trong đó, 17 khu chế xuất - khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 80%, thu hút được 1.665 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của các khu chế xuất - khu công nghiệp khoảng 8 tỷ USD, chiếm khoảng 21% kim ngạch xuất khẩu của thành phố (trừ dầu thô). Thu ngân sách các doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp gần 50.000 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, các khu chế xuất – khu công nghiệp cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là những ngành công nghiệp già cỗi, thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nguyên, nhiên, vật liệu với mức phát thải cao. Ngoài ra, hạ tầng và dịch vụ của khu chưa theo kịp xu hướng chuyển dịch kinh tế, ứng phó với thách thức từ biến đổi khí hậu và khống chế dịch bệnh...
Thông tin tại buổi hội thảo lấy ý kiến về “Đề án Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040”, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Hepza, cho biết nhiều khu chế xuất - khu công nghiệp đã hoạt động được hơn một nửa thời hạn của dự án, như: khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung 1 và 2, khu công nghiệp Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, Vĩnh Lộc, Tân Bình, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi, Hiệp Phước giai đoạn 1.
“Doanh nghiệp tại các khu chế xuất - khu công nghiệp đang do dự đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị do thời gian còn lại ngắn, chỉ còn hơn 20 năm, một số khu chưa tới 20 năm”, ông Hưng cho biết.
Thời gian còn lại của dự án quá ngắn cũng khiến Ban Quản lý Hepza và các công ty xây dựng - kinh doanh cơ sở hạ tầng khu chế xuất - khu công nghiệp gặp khó khăn trong thu hút đầu tư những dự án mới, vì khó thu hồi vốn cho dự án đầu tư sản xuất.
Góp ý cho đề án, ông Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng Ban quản lý Hepza, cho rằng muốn thúc đẩy phát triển các khu chế xuất - khu công nghiệp, quy hoạch sắp tới phải có trọng tâm, trọng điểm... Để khắc phục những khó khăn hiện nay, cần áp dụng mô hình trước đây, có cơ chế một cửa tại chỗ, được tự chủ tài chính.
Đại diện Công ty TNHH Hepzone - Linh Trung lưu ý, đề án cần đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng, như: cung cấp điện, nước, gas, IT… ổn định cho các nhà máy hoạt động không bị gián đoạn; tạo điều kiện thuận tiện về tuyến đường từ khu khu chế xuất, khu công nghiệp đến sân bay và năng lực đối ứng của sân bay…
Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị ngoài việc giữ lại các khu chế xuất - khu công nghiệp hiện hữu, cần mở rộng và linh hoạt cho các ngành nghề khi đáp ứng các tiêu chí, chứ không gói gọn nhóm ngành từng khu như hiện nay để doanh nghiệp không phải qua khu vực khác, cũng như lựa chọn nhà đầu tư vào các khu chế xuất - khu công nghiệp có năng lực mạnh về tài chính và có kinh nghiệm đầu tư quốc tế…
Về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định thành phố không có chủ trương bỏ hay “xóa sổ” khu chế xuất - khu công nghiệp nào, mà định hướng chuyển đổi cho phù hợp, đồng thời bổ sung định hướng cho các khu chế xuất - khu công nghiệp mới.
“SỐ MỆNH” KHU CHẾ XUẤT TÂN THUẬN?
Theo Ban quản lý Hepza, tính đến cuối năm 2021, khu chế xuất Tân Thuận đã thu hút được 233 dự án đầu tư đến từ 25 quốc gia và khu vực, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Hiệu quả sử dụng đất trên tổng vốn đầu tư đạt 12,2 triệu USD/ha và tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động.
Tại hội thảo này, các đại biểu cũng đề cập đến việc giữ lại khu chế xuất Tân Thuận tại quận 7, TP.HCM. Theo đó, ông Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng Ban quản lý Hepza, cho rằng khu chế xuất Tân Thuận đã hoàn thành sứ mệnh nhưng để như hiện nay thì không ổn. Nên nâng cao hiệu suất dự án đầu tư và mở rộng diện tích, như gắn với Khu kinh tế phía Nam thành phố…
Trước đó, ông Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND quận 7, đề xuất TP.HCM sớm có kế hoạch chuyển đổi và di dời khu chế xuất Tân Thuận do công năng sử dụng không còn phù hợp và đem lại nguồn thu ngân sách thấp không tương xứng với quy mô diện tích, vị trí địa lý, gây ô nhiễm môi trường.
Định hướng điều chỉnh chuyển đổi khu chế xuất thành khu công nghệ cao xen kẽ đất ở và dịch vụ thương mại kết nối Thủ Thiêm thành một quần thể, đem lại lợi ích phát triển kinh tế và tạo điểm nhấn đối xứng với bờ sông Sài Gòn.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tphcm-giu-nguyen-cac-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-nhu-hien-nay-359043.html