Lý do Bitcoin không thể bứt phá

Giá Bitcoin vừa tăng mạnh lên ngưỡng cao nhất trong vòng hơn hai tháng. Tuy nhiên, nhiều trở ngại khiến đà tăng không thể kéo dài.

Theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin đã quay đầu giảm sau khi xuyên thủng ngưỡng 25.000 USD/đồng, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 6. Tính đến 18h30 ngày 16/8, Bitcoin được giao dịch quanh ngưỡng 24.000 USD/đồng.

Đà phục hồi của các đồng tiền mã hóa khác cũng không kéo dài. Sau khi xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD/đồng hôm 14/8, giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai - cũng đã điều chỉnh giảm còn 1.900 USD/đồng.

Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế cho rằng đà phục hồi của Bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác thiếu bền vững vì không có động lực thực sự phía sau.

Giá Bitcoin xuyên thủng ngưỡng 25.000 USD/đồng vào ngày 15/8. Tuy nhiên, đà tăng không kéo dài lâu. Ảnh: CoinMarketCap.

Giá Bitcoin xuyên thủng ngưỡng 25.000 USD/đồng vào ngày 15/8. Tuy nhiên, đà tăng không kéo dài lâu. Ảnh: CoinMarketCap.

Đà tăng ngắn ngủi

"Giá Bitcoin đi ngang sau khi không thể bật tăng mạnh mẽ dù vượt ngưỡng quan trọng 25.000 USD/đồng trong một thời gian ngắn", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao ở London - trả lời Zing.

"Do không có động lực thực sự phía sau, đà phục hồi đã nhanh chóng cạn kiệt nhiệt lượng và sụp đổ", ông bình luận.

"Dù vậy, việc lấy lại mốc 25.000 USD/đồng vẫn là một bước ngoặt quan trọng của Bitcoin. Nó cho thấy đà phục hồi trong hai tháng qua dường như đã đúng hướng", ông Erlam nói thêm.

"Câu hỏi đặt ra là việc Bitcoin giảm giá còn hơn 24.000 USD/đồng cho thấy giá sẽ tiếp tục lao dốc, hay chỉ là một đợt điều chỉnh giảm", ông bình luận.

Hồi tháng 6, giá Bitcoin đã rơi xuống dưới ngưỡng 20.000 USD/đồng. Tuy nhiên, thị trường tiền mã hóa phục hồi mạnh mẽ theo đà tăng của những tài sản rủi ro khác như cổ phiếu.

Do không có động lực thực sự phía sau, đà phục hồi đã nhanh chóng cạn kiệt nhiệt lượng và sụp đổ

Chuyên gia tài chính Craig Erlam

Bước ngoặt của thị trường đến từ báo cáo lạm phát tháng 7 của Mỹ. Theo số liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ đã tăng 8,5% so với một năm trước đó, thấp hơn mức tăng 9,1% trong tháng 6 và dự báo của giới quan sát.

Ngoài CPI, giá hàng hóa nhập khẩu và chỉ số giá sản xuất tháng 7 của Mỹ cũng sụt giảm so với tháng 6.

Lạm phát hạ nhiệt sẽ giảm bớt áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trước đó, cơ quan này cho biết sẵn sàng tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay để hạ nhiệt giá cả.

Lãi suất tăng cao sẽ đè nặng lên những tài sản rủi ro như cổ phiếu, nhất là cổ phiếu công nghệ, và tiền mã hóa. Khi FED bắt đầu siết chặt chính sách tài khóa và tiền tệ vào đầu năm nay, các thị trường đã phản ứng dữ dội.

Nhưng nếu số liệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang trên đà đi xuống, ngân hàng trung ương có thể không phải làm điều đó.

Đến nay, khả năng ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay cũng đã được phản ánh trên giá thị trường. Do đó, nếu FED nâng lãi suất ít hơn dự kiến, các thị trường rủi ro sẽ hưởng lợi. Theo tính toán của Zing, kể từ đầu tháng 8, chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ của Mỹ đã tăng hơn 6%.

Trong khi đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 3,3%, còn chỉ số S&P 500 tăng 4,3%.

Còn nhiều trở ngại

Tuy nhiên, một số áp lực vẫn đè nặng lên thị trường tiền mã hóa. Giới quan sát cho rằng FED vẫn có thể nâng lãi suất mạnh tay dù lạm phát đã hạ nhiệt.

Mới đây, Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho biết ông tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất lên 3,9% vào cuối năm và 4,4% trong năm 2023.

Sức mạnh của đồng bạc xanh của cản trở đà phục hồi của thị trường tiền mã hóa. Chỉ số USD hiện ở mức 106,805 điểm, mức cao nhất kể từ cuối tháng 7.

Trong khi đó, giới đầu tư cũng ngần ngại hơn với thị trường tiền mã hóa sau hàng loạt bê bối của ngành công nghiệp.

 Thị trường đi xuống khiến một loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực này phá sản hoặc vỡ nợ. Ảnh: Reuters.

Thị trường đi xuống khiến một loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực này phá sản hoặc vỡ nợ. Ảnh: Reuters.

Ngành này đã chao đảo bởi sự sụp đổ của stablecoin (tạm dịch: đồng tiền ổn định) terraUSD, hay còn gọi là UST, kéo theo một loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa phá sản hoặc vỡ nợ.

Theo giới quan sát, sau những bê bối mới nhất, các cơ quan quản lý có thể để mắt tới ngành công nghiệp hơn, từ đó tác động tiêu cực tới sức hút của loại tài sản này.

"Hầu hết nhà đầu tư vẫn hoài nghi về đà phục hồi của thị trường tiền mã hóa", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Mỹ - giải thích với Zing.

Dù đã phục hồi phần nào, giá Bitcoin vẫn lao dốc 65% so với mức đỉnh gần 69.000 USD/đồng được thiết lập hồi năm ngoái.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ly-do-bitcoin-khong-the-but-pha-359217.html