Vay ngân hàng 400 triệu mua nhà, bị "ép" mua thêm 300 triệu bảo hiểm

Đến vay ngân hàng số tiền 400 triệu đồng để mua căn hộ chung cư nhưng anh N.V.H chỉ được giải ngân nếu mua kèm thêm gói bảo hiểm nhân thọ 300 triệu đồng.

Ngân hàng "bán bia kèm lạc"

Vào đầu tháng 3, từ nhu cầu vay tiền để mua một căn hộ chung cư, anh N.V.H (sinh năm 1983) đã tìm đến Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Chi nhánh Thăng Long ở số 3 đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để vay số tiền 400 triệu đồng.

Tại đây, theo anh H cho hay, hồ sơ của anh đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được ngân hàng cho vay vốn. Điều này thể hiện bằng văn bản do BIDV Chi nhánh Thăng Long gửi tới anh H ngày 15.3 cho biết “ngân hàng đồng ý cho vay".

Không thể được giải ngân nếu chưa mua bảo hiểm nhân thọ (trong ảnh là nhân viên BIDV, BIDV MetLife trong quá trình làm việc với anh N.V.H). Ảnh: Đ.T.Không thể được giải ngân nếu chưa mua bảo hiểm nhân thọ (trong ảnh là nhân viên BIDV, BIDV MetLife trong quá trình làm việc với anh N.V.H). Ảnh: Đ.T.

Tưởng chừng sự việc sẽ diễn ra một cách hết sức đơn giản, nhưng không, anh H đã không dễ để chạm tới ước mơ tổ ấm chung cư của mình. Lý do là bởi, ngân hàng cho biết sẽ chỉ đồng ý giải ngân nếu anh H mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ trị giá lên tới 300 triệu đồng, chi phí đóng năm đầu là 15 triệu đồng.

Đáng chú ý, gói hiểm nhân thọ trên lại là của Công ty BIDV Metlife, đây là một liên doanh giữa Công ty TNHH MetLife (thuộc Tập đoàn MetLife) và Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV).

Tích cóp bao năm cho một ước mơ mua nhà, đi vay số tiền 400 triệu đồng để trả dần trong vòng 20 năm, anh H cho biết mình không thể nào gồng gánh thêm một gói bảo hiểm nhân thọ tới 300 triệu đồng như vậy. Liên tục các cuộc gặp, trao đổi, điện thoại anh H trình bày hoàn cảnh của mình, nhưng thứ anh nhận lại vẫn chỉ là cái lắc đầu của nhân viên ngân hàng.

Không có lựa chọn nào khác, ngày 25.3, anh H đến ngân hàng để làm nốt các thủ tục vay vốn. Tại đây, một lần nữa, anh H đề nghị được miễn mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ với lý do quá sức khả năng tài chính.

Bất chấp điều này, chị T.P.A - nhân viên phía BIDV chi nhánh Thăng Long nói: “Điều kiện để ngân hàng giải ngân là phải đóng bảo hiểm nên là hôm nay anh đóng tiền vào trước nhé”.

Nhân viên ngân hàng BIDV nêu điều kiện để giải ngân khoản vay là phải mua bảo hiểm nhân thọ. Video: Đ.T.

Đến lúc này, “thiên la địa võng” mới chính thức được giăng ra trước mắt vị khách hàng. Trong khi ngân hàng chỉ đồng ý đóng xong bảo hiểm mới làm tiếp các thủ tục giải ngân, còn ngay kế đó, một nhân viên tư vấn của BIDV MetLife cũng liên tục thúc giục anh H ký vào một bộ giấy tờ do phía bảo hiểm đưa ra.

“Tôi phải ký dù chưa biết nội dung hợp đồng, các điều khoản liên quan đến bảo hiểm sao. Việc này đáng ra phải là tự nguyện, cả hai bên cùng đồng ý mới ký chứ" - anh H nói.

Cuối cùng, để được vay tiền, anh H buộc phải ký vào những giấy tờ do bảo hiểm cung cấp trong khi hợp đồng cụ thể được nhân viên tư vấn nói rằng sẽ “gửi email sau". Ngay tại quầy làm thủ tục, anh H đã bị trừ trực tiếp 15 triệu đồng phí đóng năm đầu gói bảo hiểm nhân thọ trong thẻ tín dụng. Sau đó, anh H mới tiếp tục được vay tiền của ngân hàng BIDV.

Trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh vụ việc này, một cán bộ truyền thông ngân hàng BIDV (Hội sở) cho biết đây là "vụ việc đơn giản" và "sau khi mua bảo hiểm có 15 ngày để có thể không thực hiện tiếp hợp đồng". 

khach-hang-phai-ky-vao-nhung-giay-to-do-phia-bidv-metlife-dua-ra-du-khong-ro-cac-dieu-khoan-bao-hiem-1660723980.jpgKhách hàng phải ký vào những giấy tờ do phía BIDV MetLife đưa ra dù không rõ các điều khoản bảo hiểm

Xác nhận với PV Lao Động, bà Lê Thị Tường Vân - Trưởng phòng Khách hàng Cá nhân 2 (BIDV Chi nhánh Thăng Long) cũng cho biết đã có buổi làm việc với khách hàng để huỷ gói bảo hiểm nhân thọ trên. 

Đây không phải lần đầu những trường hợp ngân hàng "bán bia kèm lạc" bị phản ánh. Mới đây nhất, trong cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), có ý kiến cổ đông than phiền về việc khi đến giao dịch tại ACB, dù không có nhu cầu nhưng nhân viên vẫn tư vấn và thậm chí là "ép" khách hàng mua các loại bảo hiểm. Trả lời cổ đông, lãnh đạo ACB nói nhân viên ngân hàng chỉ giới thiệu dịch vụ. 

Xử lý nghiêm nếu "ép" mua bảo hiểm khi vay vốn

Tại Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống. Xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể: Khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm; Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Link nội dung: https://biztoday.vn/vay-ngan-hang-400-trieu-mua-nha-bi-ep-mua-them-300-trieu-bao-hiem-359708.html