Dự kiến ban đầu, tòa tháp được khởi công vào quý I/2012 và hoàn thành vào năm 2015. Thời điểm ra mắt, dự án được kỳ vọng là tòa văn phòng hạng A, tiêu chuẩn quốc tế, biểu tượng của quận Cầu Giấy. Ảnh: Zing.
|
Theo tìm hiểu, ngày 29/12/2005, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 8506/QĐ–UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao 13.159m2 đất tại đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho Bảo hiểm Nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.
|
Để thực hiện dự án, vào năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt thành lập Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC và nay là Công ty CP đầu tư SCIC – Bảo Việt với vốn điều lệ 140 tỷ đồng.
|
Năm 2013, dự án Tháp tài chính Quốc tế được Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ. Dự án có diện tích quy hoạch 13.159m2, với quy mô công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m, với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.
|
Đến ngày 28/5/2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ công trình công trình Tháp tài chính Quốc tế tại khu đất số 220 Trần Duy Hưng. Phạm vi ranh giới của dự án, phía Tây Nam giáp siêu thị Big C, phía Đông Nam giáp đường Trần Duy Hưng, phía Đông Bắc giáp đường Hoàng Minh Giám, phía còn lại giáp đường nội bộ và khu nhà Vimeco.
|
Điều đáng nói, dù sở hữu vị trí đẹp ngay mặt đường Trần Duy Hưng, ngay gần vành đai 3 và xung quanh là các trung tâm thương mại lớn, thế nhưng đến nay đã cả thập kỷ trôi qua, khu đất “vàng” để thực hiện dự án “khủng” này vẫn “án binh bất động”.
|
Toàn cảnh khu đất “vàng” dự kiến xây Tháp tài chính Quốc tế “ngủ quên” cả thập kỷ.
|
Lối vào dự án Tháp tài chính Quốc tế nằm ngay đường Trần Duy Hưng, đông đúc, nhộn nhịp nhưng phía bên trong vẫn là bãi đất trống.
|
Năm 2016, Công ty CP đầu tư SCIC – Bảo Việt (đại diện chủ đầu tư) có văn bản gửi UBND phường Trung Hòa về việc thi công cọc khoan nhồi thí nghiệm dự án Tháp tài chính Quốc tế - IFT tại số 220 Trần Duy Hưng. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, đến nay dự án vẫn được quây tôn, bên trong để cây cối, cỏ dại mọc um tùm, không có dấu hiệu nào cho thấy dự án tiếp tục được triển khai xây dựng.
|
Dự án được quây tôn kín mít, những thông tin về dự án không còn được quảng bá.
|
Phía bên trong, hai dãy nhà cấp 4 đã cũ luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.
|
Một số góc dự án bị người dân “xẻ rào” tập kết rác thải.
|
Mặc dù bị bỏ hoang nhiều năm nhưng khu đất 220 Trần Duy Hưng đến nay vẫn chưa bị thu hồi. Trong khi đó, liên tục trong nhiều năm, từ năm 2010 đến nay, hầu như năm nào UBND TP Hà Nội cũng ra các văn bản rà soát, thu hồi các dự án bỏ hoang nhiều năm. |
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư 2020 về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 thì với những dự án chậm tiến độ nhiều năm của các doanh nghiệp nói chung, bao gồm cả doanh nghiệp bảo hiểm, hoàn toàn có thể chấm dứt dự án, thu hồi đất theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, lĩnh vực đầu tư.
|
Được biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 sẽ có quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản. Vậy nếu luật được áp dụng trong thời gian tới thì số phận loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt bị “treo” nhiều năm sẽ được xử lý ra sao?
|
Link nội dung: https://biztoday.vn/ha-noi-du-an-220-tran-duy-hung-bao-viet-treo-ca-thap-ky-sao-chua-thu-hoi-361458.html