Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/8), khi nỗi lo về lãi suất một lần nữa nổi lên và phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Giá dầu thô tăng nhẹ, nhưng hoàn tất một tuần giảm vì nỗi lo kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái.
Sau vài ngày cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất vì lạm phát ở Mỹ đã dịu đi, giới đầu tư lại đang lo Fed tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay vì khả năng lạm phát có thể duy trì dai dẳng ở mức cao. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào tháng 9, Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm hoặc 0,75 điểm phần trăm.
Như thường thấy, triển vọng lãi suất tăng đặt những cổ phiếu công nghệ có mức tăng trưởng lớn vào thế bất lợi, như Amazon và Alphabet cùng giảm hơn 2% trong phiên này. Loạt cổ phiếu nhà băng lớn như JPMorgan Chase, Bank of America và Deutsche Bank cũng giảm giá hơn 2% dù ngân hàng là nhóm thường hưởng lợi khi lãi suất tăng. Báo cáo lợi nhuận không đạt kỳ vọng của hãng sản xuất thiết bị công nghiệp nặng như Deere cũng làm gia tăng tâm lý thận trọng với rủi ro.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,86%, còn 33.706,15 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,29%, còn 4.228,37 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt khoảng 2%, còn 12.705,22 điểm.
Cả tuần, S&P 500 giảm 1,21%; Dow Jones trượt 0,16%; và Nasdaq mất 2,62% điểm số. Với tuần giảm này, S&P 500 gián đoạn chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp trước đó.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm phiên ngày thứ Sáu và giảm cả tuần này. Nhà đầu tư bi quan khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Đức tăng mạnh chưa từng thấy khiến triển vọng kinh tế khu vực càng thêm phần u ám. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu chốt phiên với mức giảm 0,8%.
Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 1,3% trong phiên ngày thứ Sáu.
Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed công bố trong tuần này và phát biểu của một số quan chức Fed những ngày gần đây cho thấy Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian trước mắt, từ đó đẩy lùi những kỳ vọng của nhà đầu tư về một sự dịch chuyển sang mềm mỏng hơn của ngân hàng trung ương này.
“Khi các nhà tham gia thị trường bắt đầu quay trở lại từ kỳ nghỉ hè và nhìn lại những gì đã qua… họ sẽ thấy rằng các ngân hàng trung ương còn lâu mới đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát”, một báo cáo của ngân hàng ING được hãng tin Reuters trích dẫn. “Điều này có nghĩa là thị trường sẽ tiếp tục bị giằng co giữa một bên là kỳ vọng về sự thắt chặt chính sách tiền tệ và một bên là mối lo suy thoái kinh tế”.
Dù vậy, nhiều nhà đầu tư và giao dịch vẫn đang nuôi hy vọng về một sự bật tăng trở lại của giá cổ phiếu.
“Tôi không cho rằng thị trường sẽ giảm trở lại mức đáy thiết lập trong tháng 6. Tuy nhiên, mức độ giằng co mạnh của thị trường mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay và trong tuần này cho thấy áp lực giảm vẫn đang lớn. Tôi nghĩ thị trường sẽ giằng co hoặc tạm dừng đà tăng trong một khoảng thời gian ngắn, xét tới những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay”.
Thái độ cứng rắn của Fed giúp đồng USD tăng thêm 0,5% trong phiên ngày thứ Sáu, đạt mức cao nhất 1 tháng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh 1 tháng ở 2,9776%, gần mức cao nhất 4 năm là 3% thiết lập hồi tháng 5.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,13 USD/thùng, chốt ở 96,72 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,27 USD/thùng, chốt ở 90,77 USD/thùng.
Cả tuần, giá hai loại dầu giảm khoảng 1,5% dưới sức ép từ triển vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, và đồng USD tăng giá.
Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là đại hội thường niên của Fed tại Jackson Hole, Wyoming, với bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 26/8.
Nỗi lo lãi suất tăng cũng đang đặt ra áp lực giảm đối với thị trường tiền ảo. Giá Bitcoin lúc gần 8h sáng nay (20/8) theo giờ Việt Nam giảm gần 8% so với cách đó 24 tiếng, còn 21.133 USD. Đây là vùng giá thấp nhất của đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới trong vòng 3 tuần trở lại đây. Trong vòng 1 tuần, giá Bitcoin đã giảm hơn 13%.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chung-khoan-my-dut-chuoi-tuan-tang-dau-tho-cung-sut-gia-tuan-nay-vi-noi-lo-suy-thoai-361524.html