Kinh tế Ukraine: Phía sau những công bố tài trợ tỷ USD là gì?

Bế tắc, tổn thất ngày càng tăng nhanh hơn và nhiều hơn so với khả năng Kiev có thể dự tính. Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ kéo dài đến bao giờ?... không ai có thể dự đoán được chính xác, nhưng nền kinh tế Ukraine sẽ sớm sụp đổ nếu không có thêm viện trợ ngay từ bây giờ.

Kinh tế Ukraine: Phía sau những công bố tài trợ tỷ USD là gì? Trong ảnh: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến trong phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, tháng 5/2022. (Nguồn: EPA-EFE)

Kinh tế Ukraine: Phía sau những công bố tài trợ tỷ USD là gì? Trong ảnh: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến trong phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, tháng 5/2022. (Nguồn: EPA-EFE)

“Kế hoạch Marshall” cho Kiev

Trong nhiều tuần qua, các cuộc thảo luận của các nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách quốc tế và Ukraine tập trung chủ yếu vào một “Kế hoạch Marshall” cho Kiev, mổ xẻ các vấn đề kỹ thuật xung quanh việc tái thiết nền kinh tế đang bế tắc này, từ vấn đề chống tham nhũng đến chương trình nghị sự xanh.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc tái thiết Ukraine, điều quan trọng là phải xây dựng niềm tin và mang lại cho người dân nước này hy vọng.

Phương Tây đang đưa ra những lời hứa hào phóng, nhưng việc triển khai thực tế lại chậm một cách đáng thất vọng. Theo tính toán của Viện Kinh tế thế giới Kiel - cơ quan theo dõi các hỗ trợ tài chính đã cam kết cho Ukraine, tính lũy kế, Kiev hiện được các nhà tài trợ hứa hẹn hỗ trợ khoản ngân sách có giá trị hơn 31 tỷ Euro.

Nhưng thực tế, chỉ có khoảng 7,6 tỷ Euro thực sự được giải ngân trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến ngày 28/6. Đến tận cuối tháng 6 đầu tháng 7, dòng vốn mới bắt đầu vào.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị viện trợ là khoảng 11 tỷ USD, vẫn thấp hơn một bậc so với các khoản thanh toán hydrocacbon cho Nga trong cùng thời kỳ.

Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của Ukraine vẫn đang "chảy máu". Ngày 20/7, Kiev đã phải yêu cầu các chủ sở hữu Eurobond cho hoãn thanh toán nợ, bởi việc trả nợ đối với họ đang trở thành gánh nặng quá lớn đối với ngân sách, cũng như với cán cân thanh toán trong tương lai.

Ukraine đang gánh khoản nợ nước ngoài kỷ lục gần 57 tỷ Hryvnia (tương đương 1,93 tỷ USD) từ tháng 9/2021, trong khi thu ngân sách nhà nước chỉ đủ chi trả cho 1/3 nhu cầu tài chính của quốc gia. Ngân hàng quốc gia Ukraine (NBU) đã bán tới 1 tỷ USD mỗi tuần để theo kịp tốc độ nhu cầu ngoại tệ và để bảo vệ tỷ giá hối đoái.

Ngày 20/7, NBU đã quyết định điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ Hryvnia giảm 25% so với USD xuống 36,60 Hryvnias = 1 USD từ 29,25 Hryvnias = 1 USD.

Dự trữ ngoại tệ của Ukraine ở mức 23 tỷ USD vào cuối tháng Sáu. Với tốc độ tổn thất hiện tại, có nghĩa là Kiev sẽ sớm đứng trước bờ vực sụp đổ tài chính, nếu dòng vốn viện trợ không được đẩy nhanh.

Có một số lý do khiến dự trữ ngoại hối của nước này nhanh chóng "tụt dốc" và tất cả đều nằm ngoài tầm tay của Kiev. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã phá hủy nền kinh tế và viện trợ nước ngoài dù được nhiều quốc gia mạnh mẽ tuyên bố vẫn không đủ để bù đắp lỗ hổng. Các khoản chi liên quan đến cuộc xung đột tăng vọt và tất cả các khoản chi tiêu khác đang được giữ ở mức tối thiểu.

Nguồn vốn nước ngoài khan hiếm đang buộc NBU phải mua trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách khổng lồ, đạt 4 tỷ USD vào tháng 5 và gần 6 tỷ USD vào tháng 6.

Từ tháng 3 đến tháng 5, nguồn thu của chính phủ Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ chiếm khoảng 40% chi tiêu cần thiết để điều hành đất nước và thanh toán các hóa đơn. 40% khác được NBU chi trả.

Phần còn lại được tài trợ bởi các khoản viện trợ không hoàn lại (khoảng 7% chi tiêu trong ba tháng của cuộc xung đột), các khoản vay nước ngoài và phát hành trái phiếu địa phương.

Cuộc xung đột với Nga khiến nguồn tài nguyên và các ngả đường xuất khẩu của Ukraine bị chặn hầu hết. Xuất khẩu trước chiến dịch quân sự của Ukraine đạt 40% GDP, với hai nguồn thu lớn nhất là ngũ cốc và sản phẩm luyện kim.

Hai trong số các nhà máy luyện kim quan trọng nhất của Ukraine đã bị phá hủy ở Mariupol và hiện đang bị chiếm đóng. Ngũ cốc ở các vùng chiến sự thuộc miền Nam Ukraine đều trong vòng phong tỏa của Nga.

Các mặt hàng xuất khẩu còn lại rất thiếu năng lực vận chuyển. Hàng hóa chủ yếu được vận chuyển qua đường biển và các cảng ở Biển Đen hiện đang bị các tàu chiến Nga phong tỏa.

Các cuộc đàm phán gần đây do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc điều tiết đã mở ra con đường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ cảng Odessa. Nhưng cho đến nay, không ai dám khẳng định về một kết quả chắc chắn, bởi hàng loạt yếu tố bất định từ bên ngoài, hoàn toàn không phụ thuộc vào mong muốn của Kiev.

Trong khi đó, nhập khẩu vẫn đang gia tăng, được thúc đẩy bởi chế độ tỷ giá hối đoái cố định, nhu cầu tiêu dùng phục hồi sau cú sốc đầu tiên của cuộc xung đột với Moscow và giá năng lượng tăng mạnh.

Bế tắc - kinh tế Ukraine đang kêu cứu

Ukraine đã cố gắng hết sức để khắc phục khó khăn. Nhằm hỗ trợ đồng nội tệ, từ rất sớm, NBU đã đưa ra các hạn chế đối với thanh toán ở nước ngoài, với danh sách “hàng nhập khẩu quan trọng được phép” ngày một dài.

Đầu tháng 4/2022, để ngăn chặn tình trạng khan hiếm hàng hóa, thuế VAT và phí hải quan đã được dỡ bỏ đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu. Ngày 1/7, các quy tắc thuế VAT và thuế hải quan trước xung đột được khôi phục nhằm giảm bớt áp lực đối với tài chính công và góp phần làm cho hàng hóa Ukraine trở nên cạnh tranh hơn và cải thiện cán cân thương mại.

Các tình nguyện viên phát thức ăn ở Kharkov, Ukraine. (Nguồn: UPI)

Các tình nguyện viên phát thức ăn ở Kharkov, Ukraine. (Nguồn: UPI)

Trong khi đó, những người rời khỏi Ukraine đi lánh nạn đang tiêu tiền từ các tài khoản thuộc nước này trên toàn thế giới. Tính đến tháng Sáu, tổng số người rời Ukraine được ước tính là hơn 5 triệu và không phải tất cả họ đều nghèo và phải sống bằng trợ cấp xã hội. Nhiều người vẫn tiếp tục làm việc từ xa cho các tổ chức Ukraine, phụ nữ và trẻ em được nhận được hỗ trợ tài chính từ những người chồng và người cha ở lại đất nước.

Theo ước tính, tổng cộng, người Ukraine ở nước ngoài chi tiêu gần 1,5 tỷ USD/tháng thông qua thanh toán thẻ từ thẻ ngân hàng Hryvnia của họ. Số tiền này cũng góp phần làm cạn kiệt nguồn dự trữ của NBU.

Có thể nói, cho đến nay, NBU và Bộ Tài chính Ukraine đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ duy trì khả năng phục hồi của nền kinh tế và khu vực tài chính của đất nước. Các ngân hàng đang hoạt động hiệu quả, lương hưu và phúc lợi được thực hiện và lương vẫn đang được chi trả đều đặn.

Tuy nhiên, không thể tránh khỏi một giới hạn đối một quốc gia đang có xung đột quân sự - những tác động của suy thoái kinh tế nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng tiếp tục bị phá hủy, nhà ở và tài sản sản xuất không được đầu tư.

Nếu Ukraine mất ổn định kinh tế và tài chính, chiến tuyến cũng sẽ tan vỡ. Hậu phương cần đảm hoạt động để tiền tuyến "yên tâm" hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể xảy ra nếu những lời hứa về vũ khí vẫn còn trên giấy và hỗ trợ tài chính không được biến thành tiền thật.

Một nhóm các nhà kinh tế Ukraine đã xây dựng một số nguyên tắc với hy vọng các khoản tài trợ có thể đúng và trúng, hỗ trợ Kiev bảo vệ sự ổn định kinh tế của nước này:

Thứ nhất, cần hành động nhanh chóng để đảm bảo Ukraine không thua về kinh tế. Tuy nhiên, thời gian rất quan trọng. Dư địa cho việc tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu ở Ukraine hiện rất hạn chế, nên một dòng tài chính nhanh chóng và ổn định là cần thiết.

Số tiền tài trợ được kỳ vọng sẽ bù đắp được khoảng thiếu hụt ngân sách, bao gồm cả nhu cầu phục hồi nhanh chóng ở các khu vực đang còn xung đột. Không cần phải đợi chiến dịch quân sự của Nga kết thúc mới khởi động nỗ lực tái thiết.

Người dân ở các thị trấn và làng mạc bị tàn phá cần một nơi ở, cơ sở hạ tầng phải được sửa chữa trước khi mùa Đông đến, trẻ em phải đi học và người già, người bệnh cần được tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Thứ hai, các khoản tài trợ được ưu tiên hơn các khoản vay. Dù các khoản vay ưu đãi và dài hạn cũng rất quan trọng, nhưng chính phủ Ukraine tiếp tục phải chịu gánh nặng nợ nần, điều đó sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế thời hậu chiến.

Theo các điều kiện hiện tại, tỷ lệ nợ/GDP có thể tăng từ mức trước chiến tranh là 50% lên 100%. Tuy nhiên, hiện chỉ có 18% viện trợ là dưới hình thức viện trợ không hoàn lại, phần còn lại đều là các khoản vay dài hạn.

Một nguyên tắc nữa được đưa ra là mọi sự hỗ trợ tài chính và các nỗ lực tái thiết phải bao trùm và không phân biệt đối xử. Trong đó, việc xác định đối tượng thụ hưởng, khuyến khích các quyết định và thực hiện sát sườn nhất với những người bị ảnh hưởng trong cộng đồng và khu vực bị tác động do cuộc xung đột.

Cuối cùng, giới phân tích Ukraine ca ngợi, mọi viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chính cho Ukraine, nhưng cho rằng, phần lớn các khoản viện trợ thiếu tính cấp bách, bị "ru ngủ" bởi các cuộc đàm phán về sự phục hồi lâu dài và một tương lai EU cho Ukraine. Vấn đề là, cuộc xung đột Nga-Ukraine còn kéo dài đến khi nào thì không ai có thể dự tính được và Kiev cần được hỗ trợ ngay từ bây giờ.

Link nội dung: https://biztoday.vn/kinh-te-ukraine-phia-sau-nhung-cong-bo-tai-tro-ty-usd-la-gi-361559.html