Những thay đổi gì xảy ra sau khi sổ hộ khẩu bị 'khai tử'?

Việc 'khai tử' sổ hộ khẩu sẽ dẫn đến những thay đổi về công tác quản lý cư trú, với cả phía người dân và cơ quan nhà nước.

Tới đây, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức bị “khai tử”. Một số bạn đọc thắc mắc thời điểm “khai tử” hai loại giấy tờ này là khi nào? Sau khi “khai tử” sẽ có những thay đổi gì trong công tác quản lý cư trú, có phát sinh thêm thủ tục hay không…? Muốn biết số sổ hộ khẩu (mã hộ) của mình thì thực hiện tra cứu ra sao?

Từ 1-1-2023, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức bị “khai tử”. Ảnh: TUYẾN PHAN

Từ 1-1-2023, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức bị “khai tử”. Ảnh: TUYẾN PHAN

Khi nào “khai tử” sổ hộ khẩu?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, bắt đầu từ 1-1-2023, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức bị “khai tử”, không còn giá trị sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử.

Kể từ 1-7-2021 – thời điểm Luật Cư trú có hiệu lực, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Đối với sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đã được cấp trước ngày 1-7-2021, vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31-12-2022.

Thay đổi gì sẽ xảy ra?

Mặc dù “khai tử” sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy nhưng nhà nước vẫn duy trì quản lý cư trú đối với người dân, chỉ là thay thế hình thức quản lý từ cuốn sổ bằng giấy sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn.

Người dân vẫn cần phải làm các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây… Với quy định mới, sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, thay vì cấp sổ giấy, cơ quan công an sẽ cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ được liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân. Cùng việc “khai tử” sổ hộ khẩu giấy, người dân sẽ được cấp mã số định danh cá nhân (là dãy 12 chữ số trên thẻ CCCD gắn chip). Khi đi làm các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự…, người dân chỉ cần sử dụng thẻ CCCD gắn chip mà không cần mang theo sổ hộ khẩu hoặc lỉnh kỉnh giấy tờ như trước đây.

Cách tra cứu khi không còn sổ hộ khẩu

Trên mỗi một cuốn sổ hộ khẩu giấy đều có số sổ hộ khẩu. Đây là một dãy số gồm chín chữ số tự nhiên, trong đó có hai số đầu là mã số của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Số này được ghi ngay bên ngoài bìa sổ hộ khẩu hoặc trang đầu tiên của mặt trong sổ.

Như đã nêu, kể từ 31-12-2022, và sớm hơn là từ 1-7-2021 với những trường hợp làm thủ tục dẫn đến thay đổi thông tin, sổ hộ khẩu sẽ bị thu hồi. Vậy trong trường hợp cần thiết dùng đến số sổ hộ khẩu (mã hộ), người dân cần làm cách nào?

Một trong những cách người dân có thể thực hiện, đó là truy cập vào trang web của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn.

Tại đây, người dân chọn mục tra cứu trực tuyến, rồi chọn mục tra cứu mã số BHXH.

Sau khi nhập đầy đủ các trường thông tin theo yêu cầu, người dân chọn xác nhận “Tôi không phải là người máy” và bấm tra cứu. Trong số các thông tin hiển thị từ kết quả tra cứu, mã hộ chính là số sổ hộ khẩu.

Lưu ý rằng, những thao tác trên là tra cứu trên trang web của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đang sử dụng chức năng tra cứu mã số BHXH. Thông tin số sổ hộ khẩu chỉ là một trong những thông tin kèm theo đối với mỗi cá nhân.

Hiện nay việc đồng bộ, chia sẻ dữ liệu Quốc gia về dân cư giữa Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn đang được thực hiện 100%. Do đó, vẫn có một số trường hợp dữ liệu chưa được đồng bộ thì sẽ không tra được số sổ hộ khẩu.

Link nội dung: https://biztoday.vn/nhung-thay-doi-gi-xay-ra-sau-khi-so-ho-khau-bi-khai-tu-362340.html