Theo chuyên gia, nếu Đông Nam Á không thể phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến hơn thì khu vực này sẽ không thoát khỏi một tương lai chuyên xuất khẩu nguyên liệu thô. (Nguồn: YE)
Đây là nhận định của ông William Bratton đăng trên trang Nikkei Asia. Ông là tác giả của cuốn Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự suy tàn của châu Á, từng là trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC.
Người ta dễ dàng quên rằng chính Nam Mỹ, chứ không phải châu Á, từng được coi là điểm nóng kinh tế mới nổi của thế giới. Nhiều quốc gia Nam Mỹ tương đối thịnh vượng trong nửa đầu thế kỷ XX. Argentina khi đó là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, những ngày huy hoàng của Nam Mỹ không còn nữa. Tổng sản phẩm quốc nội của khu vực, tính theo đồng USD bằng 22% của Mỹ vào năm 1980 nhưng giảm còn 17% vào năm 2020. Sự sụt giảm này còn nghiêm trọng hơn trên cơ sở bình quân đầu người. GDP của Brazil bằng 22% của Mỹ vào năm 1980 nhưng chỉ còn 14% vào năm 2020, trong khi của Mexico giảm từ 25% xuống 15% trong cùng kỳ.
Nam Mỹ có thể xa về mặt địa lý, nhưng hiện có rất nhiều điểm tương đồng so với Đông Nam Á. Giống như Nam Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, đang phải vật lộn để phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến, trong nỗ lực mở rộng kinh tế từ chỗ chủ yếu dựa vào lao động giản đơn sang tăng trưởng dựa trên phát triển bền vững.
Có những lĩnh vực sản xuất, Đông Nam Á triển khai thực hiện rất xuất sắc, nhưng thường tập trung theo khu vực địa lý và không đạt tới quy mô có thể cạnh tranh quốc tế. Các nhà sản xuất trong khu vực thường có trình độ thấp và được định hướng trong nước.
Nếu Đông Nam Á không thể phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến hơn, thì khu vực này sẽ không thoát khỏi một tương lai chuyên xuất khẩu nguyên liệu thô, nông sản, hàng hóa đơn giản và du lịch, trong khi phải nhập khẩu các sản phẩm tiên tiến từ các nền kinh tế thống trị khu vực, như thực trạng của Nam Mỹ.
Thêm vào đó, các nước Đông Nam Á còn lưỡng lự trong đầu tư vào nguồn nhân lực. Indonesia, Thái Lan và Philippines, tất cả đều chi tiêu cho giáo dục ít hơn đáng kể, tính theo tỷ trọng GDP, so với Brazil, Argentina và Mexico. Điều đó dẫn đến việc thiếu đổi mới và đạt được những tiến bộ công nghệ.
Trong ba năm từ 2018-2020, các nước Đông Nam Á có 19.300 bằng sáng chế, không nhiều hơn con số 17.300 của Australia trong cùng kỳ, và quá cách biệt so với 424.600 của Hàn Quốc. Hơn nữa, phần lớn sự đổi mới của Đông Nam Á tập trung ở Singapore và ở mức độ thấp hơn là Malaysia.
Từ những khó khăn của Nam Mỹ rút ra những bài học quan trọng cho Đông Nam Á, đặc biệt là khi sự tương đồng giữa hai khu vực ngày càng gia tăng. Ông William Bratton đặt ra câu hỏi cơ bản là liệu các nước Đông Nam Á có giải quyết được tình trạng gia tăng bất bình đẳng và môi trường chính trị không ổn định thành công hơn các nước Nam Mỹ hay không.
Giống như Nam Mỹ đang cạnh tranh dưới cái bóng của Mỹ, Đông Nam Á đang đối mặt với viễn cảnh khó khăn là lợi thế kinh tế của Trung Quốc. GDP bình quân đầu người của Indonesia, tính theo đồng USD bằng 87% của Trung Quốc vào năm 2000 nhưng giảm còn 37% vào năm 2020, trong khi của Thái Lan giảm từ 164% xuống 61% trong cùng kỳ.
Điều này không có nghĩa là khu vực này sẽ không đạt được tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông William Bratton, khu vực này sẽ tiếp tục kém hơn Trung Quốc và sẽ phải vật lộn để tìm động lực để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong dài hạn. Các quốc gia Đông Nam Á cần nhìn bài học từ Nam Mỹ và hành động ngay từ bây giờ.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chuyen-gia-dong-nam-a-truoc-nguy-co-tro-thanh-nam-my-thu-hai-362895.html