Theo dữ liệu của Trading Economics, tối 22/8, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu bất ngờ rơi thẳng đứng từ 96,5 USD/thùng xuống còn 92,5 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2. Đến nay, giá đã quay đầu tăng về 96,9 USD/thùng.
Trong một diễn biến tương tự, dầu WTI chuẩn Mỹ cũng rớt giá mạnh từ 90,7 USD/thùng xuống dưới ngưỡng 87 USD/thùng. Nhưng giá đã nhanh chóng phục hồi về hơn 91,2 USD/thùng.
Theo giới chuyên gia, những thông tin trái chiều đã thay nhau chi phối thị trường dầu, khiến giá trồi sụt dữ dội trong vòng 24 giờ qua.
Tối 22/8, giá dầu thô Brent bất ngờ rơi thẳng đứng rồi đảo chiều ngoạn mục. Ảnh: Trading Economics.
Nguy cơ suy thoái ngày càng phình to
"Kẻ thù thực sự của dầu là lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Và chúng sẽ không sớm biến mất", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
"Động thái từ phía Iran cũng mang tới cơ hội hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, vốn có thể cải thiện nguồn cung dầu toàn cầu", ông nói thêm. Cụ thể, Iran đã từ bỏ quy định "lằn ranh đỏ" nhằm thúc đẩy việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới.
"Nếu Iran có thể ký thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, giá dầu thô thế giới có thể rơi xuống mức 80 USD/thùng", ông Moya dự báo.
Theo vị chuyên gia, khi các thỏa thuận hạt nhân được khôi phục, nguồn cung dầu thô từ Iran sẽ đổ vào thị trường và thu hẹp chênh lệch cung - cầu dầu toàn cầu.
Kẻ thù thực sự của dầu là lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Và chúng sẽ không sớm biến mất
Ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ)
Trong khi đó, mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng và nguy cơ suy thoái đang bao trùm châu Âu.
Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt sau khi công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tuyên bố dừng cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống chính Nord Stream 1 trong vòng 3 ngày.
Động thái đột ngột của Gazprom khiến nguy cơ khủng hoảng năng lượng của châu Âu càng phình to. Giá năng lượng tăng cao tác động mạnh tới các hộ gia đình và ngành công nghiệp, nhất là khi châu lục này đang hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài.
Giới đầu tư cũng dồn sự chú ý vào chỉ số quản lý thu mua (PMI) toàn cầu do S&P Global công bố ngày 23/8. Trước đó, các dự báo mới nhất cho thấy PMI của khu vực đồng tiền chung euro sẽ sụt giảm so với tháng 7.
"Triển vọng nhu cầu dầu thô đang bị đè nặng bởi nguy cơ suy thoái của châu Âu. Trong khi đó, nhu cầu tại Trung Quốc cũng có thể lao dốc vì các đợt phong tỏa Covid-19 và những yêu cầu đóng cửa nhà máy để tiết kiệm năng lượng", ông Moya giải thích.
Tỉnh Tứ Xuyên - trung tâm sản xuất chất bán dẫn, pin lithium và phụ tùng xe - đã ra lệnh đóng cửa hầu hết nhà máy trong 6 ngày. Bởi nắng nóng và hạn hán đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng. Mới đây, tỉnh này tiếp tục gia hạn yêu cầu ngừng hoạt động.
Đảo chiều ngoạn mục sau tuyên bố của Saudi Arabia
Ngoài ra, theo ông Moya, đà tăng của đồng USD cũng tạo sức ép lên các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu.
Giá USD trở lại mức cao nhất 20 năm khi giới đầu tư nín thở chờ bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tại hội nghị thường niên Jackson Hole. Việc ngân hàng trung ương Mỹ liên tục nâng lãi suất đã hỗ trợ cho đồng bạc xanh.
Trong ngày 23/8, giá dầu bật tăng trở lại sau khi Saudi Arabia cảnh báo OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) có thể giảm sản lượng để kìm hãm đà giảm mạnh của giá dầu.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kiêm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho rằng "biến động và thanh khoản thấp" đã gửi đi tín hiệu sai lệch về tình trạng khan hiếm nguồn cung vật chất hiện tại.
Ông khẳng định với cơ chế hiện tại, OPEC+ "có sự cam kết, linh hoạt và công cụ để giải quyết mọi thách thức, kể cả giảm sản lượng bất cứ lúc nào".
Link nội dung: https://biztoday.vn/cu-roi-chop-nhoang-cua-gia-dau-363442.html