Truyền thông VMG: Bất định số phận 5 triệu cổ phiếu ABC

Từ vị thế một công ty lớn ngành công nghệ số ở Việt Nam với lợi nhuận trăm tỷ mỗi năm, hoạt động của VMG Media những năm gần đây đã lâm vào khủng hoảng, đặc biệt là sau vướng kiện tụng.

Cổ đông lớn "mua đi bán lại" 5 triệu cổ phiếu

CTCP Truyền thông VMG (Mã ABC - UpCOM) vừa thông báo về dự kiến giao dịch của cổ đông lớn.

Theo đó, cổ đông Lê Bá Khánh Anh - em rể của Ủy viên HĐQT Truyền thông VMG - Domigo Anselmo Alonso đăng ký bán toàn bộ 4.999.998 cổ phiếu (tỷ lệ 24,52% vốn) tại ABC nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân. Phương thức giao dịch dự kiến là thỏa thuận và khớp lệnh. Thời gian thực hiện từ ngày 26/8 đến 23/9/2022.

Trước đó ngày 7/6/2022, NTT Docomo Inc (nhà đầu tư tổ chức) đã bán thỏa thuận 4.999.998 cổ phiếu. Bên mua được công bố chính là ông Lê Bá Khánh Anh.

Như vậy, sau gần 3 tháng, cổ đông này đã tất tay với số cổ phần đang nắm giữ.

Trên thị trường, cổ phiếu ABC đang đứng mức 9.200 đồng thị giá - giảm 50% so với đỉnh hồi cuối năm 2020. Mã hiện nằm trong diện cổ phiếu hạn chế giao dịch do âm vốn chủ sở hữu.

VMG khủng hoảng sau thời hoàng kim

Quý II/2022, ABC báo lãi sau thuế gần 16,6 tỷ đồng - gấp gần 4 lần quý I qua đó nâng mức lợi nhuận nửa đầu năm lên 21,3 tỷ.

Theo tìm hiểu, ngày 10/2/2006, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho VMG Media. VMG hoạt động trong lĩnh vực của ngành công nghệ nội dung số ở Việt Nam như kinh doanh dịch vụ SMS cho điện thoại di dộng, game online, truyền hình trực tuyến, nhạc số… tại Việt Nam, từng gặt hái nhiều thành công với các sản phẩm SMS, thanh toán điện tử,...

Giai đoạn năm 2010 - 2013, VMG luôn đạt lợi nhuận trăm tỷ mỗi năm và đã chào bán cổ phần cho 2 đối tác nước ngoài lớn là tập đoàn viễn thông Nhật Bản NTT Docomo và quỹ MAJ Investment. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cổ đông ngoại liên tục bán ra cổ phiếu VMG và sở hữu của nhóm cổ đông ngoại về 0%.

ket-qua-kinh-doanh-cua-truyen-thong-vng-abc-tu-2011-2021-1661239060.png

Đơn vị: Tỷ đồng 

Về sau, hoạt động của VMG ngày càng khó khăn khi dịch vụ SMS thoái trào. Tuy nhiên đến năm 2017, do chốt được thương vụ bán 62,5% cổ phần nên VMG Media bất ngờ báo lãi tăng đột biến lên 321 tỷ đồng.

Sau vụ đại án đánh bạc nghìn tỷ Phan Sào Nam đã bị phát giác và khởi tố, GPS và UTC đã tiến hành khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế và đòi VMG bồi thường 755,8 tỷ đồng.

Theo phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore, VMG phải tiến hành trích lập dự phòng phải trả GPS và UTC đối với các nghĩa vụ có thể phát sinh. Việc trích lập dự phòng đã khiến VMG Media ghi nhận lỗ 178 tỷ năm 2020 và 581 tỷ năm 2021 qua đó khiến vốn chủ sở hữu âm 205 tỷ đồng (đến cuối quý II/2022).

Cũng do đó, tổng các khoản dự phòng phải trả của VMG ghi nhận lên tới 842 tỷ đồng - gần bằng tổng tài sản (936 tỷ). Bên cạnh đó, công ty cũng đang vay nợ ngân hàng hơn 200 tỷ đồng.

du-phong-phai-tra-cua-vmg-1661239147.png

Link nội dung: https://biztoday.vn/truyen-thong-vmg-bat-dinh-so-phan-5-trieu-co-phieu-abc-363463.html