Đại gia Kim Oanh được hưởng lợi gì từ cái “bắt tay” bán rẻ đất công ?
Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và các đồng phạm. Đây là các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2).
Phát biểu tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, vụ án Nguyễn Văn Minh, Trần Văn Nam cùng các đồng phạm bị đưa ra xét xử đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý; kiên quyết bảo vệ tài sản Nhà nước, của nhân dân, triệt để thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.
Theo đại diện Viện kiểm sát, Tổng công ty 3/2 là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh uỷ Bình Dương là chủ sở hữu, bị cáo Nguyễn Văn Minh được giao là Tổng giám đốc. Tổng công ty 3/2 được giao quản lý và sử dụng 2 khu đất có diện tích 43ha và 145ha tại TP Thủ Dầu Một để làm dự án.
Tại khu đất 43 ha, sau khi được giao đất, bị cáo Minh mang đi góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú. Doanh nghiệp này là công ty liên doanh giữa Tổng công ty 3/2 và Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc (do Nguyễn Đại Dương, con rể bị cáo Minh nhờ người khác đứng tên lập ra). Tại liên danh nêu trên, Tổng công ty 3/2 nắm 30% cổ phần (tương đương 60 tỷ đồng); còn Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng (tương đương 70%).
Khi Tổng công ty 3/2 thực hiện cổ phần hóa, Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu chuyển khu đất 43ha cho Công ty Impco (100% vốn Nhà nước, trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương). Tuy nhiên, các bị cáo đã không thực hiện.
Sau đó, Nguyễn Đại Dương đã trực tiếp đàm phán với bà Đặng Thị Kim Oanh để ký hợp đồng hứa mua, hứa bán với Công ty Kim Oanh (liên quan đến đại gia Đặng Thị Kim Oanh) với giá 350 tỷ đồng bằng hình thức mua 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc tại Công ty Tân Phú. Công ty Âu Lạc cam kết sẽ nhận chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú để chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh, nếu không thực hiện sẽ bồi thường 800 tỷ đồng”.
Để tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc do con rể điều hành thực hiện hợp đồng với phía bà Kim Oanh, bị can Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo các thành viên hội đồng thành viên thống nhất chuyển nhượng 30% cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.
Ngày 30/11/2016, Nguyễn Văn Minh tổ chức họp hội đồng quản trị Tổng công ty 3/2 quyết định chuyển nhượng 43ha đất cho Công ty Tân Phú với giá thỏa thuận từ 6 năm trước là 570.000 đồng/m2. Dù Công ty Tân Phú mới thanh toán được 140/250 tỷ đồng, Tổng công ty 3/2 vẫn đề nghị sang tên và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú.
Sau khi nắm giữ 100% vốn tại Công ty Tân Phú và dự án trên khu đất 43ha, Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương đã thực hiện chuyển nhượng lại cho công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh với giá 350 tỷ đồng…Hành vi của các bị cáo kể trên đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước số tiền là 984,6 tỉ đồng.
Được biết, giá của thương vụ chuyển nhượng này căn cứ theo bảng cân đối kế toán đến ngày 31/12/2017 của Công ty Tân Phú tổng tài sản là hơn 277,6 tỉ đồng, nợ ngắn hạn hơn 77,6 tỉ đồng; hàng tồn kho là hơn 250 tỉ và vốn điều lệ 200 tỉ đồng.
Trong khi, đối chiếu thực tế, trước đó, ngày 2/8/2017 Tổng công ty 3/2 đã ký chuyển nhượng 30% giá trị vốn góp với Công ty Âu Lạc là hơn 161,1 tỉ đồng. Với giá chuyển nhượng này thì tổng giá trị Công ty Tân Phú sẽ là 537 tỉ đồng (?).
Như vậy, mức giá 350 tỉ đồng Công ty Kim Oanh bỏ ra là một mức giá không tưởng, rẻ một cách … bất ngờ. Công ty Âu Lạc tự biến mình thành doanh nghiệp bị “thiệt thòi” trong thương vụ mà lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Vậy, lý do gì để Tổng công ty 3/2, Công ty Âu Lạc sau khi “kỳ công” lấy được đất của Nhà nước thì lại chuyển nhượng cho Công ty Kim Oanh với giá bất thường. (?)
Trước đó, theo Kết luận điều tra của Bộ Công An nêu rõ: Tại thời điểm các bên ký hợp đồng hứa mua, hứa bán nêu trên, khu đất 43ha không thuộc quyền quản lý, sở hữu của Tổng công ty 3/2 mà thuộc quyền quản lý, sở hữu của Nhà nước do Tỉnh uỷ Bình Dương đã phê duyệt, yêu cầu chuyển giao khu đất về Công ty Impco và Tổng Công ty 3/2 vẫn đang nắm giữ 30% vốn điều lệ tại Công ty Tân Phú”.
Cần phải thu hồi tài sản Nhà nước để củng cố niềm tin của nhân dân
Theo đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội, sai phạm của các bị cáo rất nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản đặc biệt lớn, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước nên phải có hình phạt nghiêm khắc. Đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã đề nghị hội đồng xét xử tuyên trả lại khu đất 43 ha về cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương quản lý.
Tuy nhiên, trình bày trước hội đồng xét xử, luật sư Nguyễn Thị Thu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Tân Phú và Công ty Kim Oanh đề nghị tòa tuyên án theo hướng cho Công ty Kim Oanh nộp khoản tiền chênh lệch và được tiếp tục thực hiện dự án trên khu đất 43ha.
Luật sư Thu cho biết, Công ty Kim Oanh đã đề nghị được nộp khoản tiền sử dụng đất chênh lệch và tiếp tục thực hiện dự án 43ha. Đề nghị này đã được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận. Vì thế, việc giao cho Công ty Kim Oanh và Công ty Tân Phú tiếp tục thực hiện dự án vừa giúp khắc phục được toàn bộ thiệt hại liên quan đến khu đất 43ha, vừa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho "người thứ ba ngay tình".
Tuy nhiên, nêu quan điểm về vụ án trên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần phải thu hồi tài sản là 43ha đất nêu trên. Bởi, thiệt hại thực tế của vụ án chỉ được khắc phục khi toàn bộ khu đất được thu về cho Nhà nước, nếu giao cho nhà đầu tư mới thì phải thông qua thủ tục bán đấu giá.
Trao đổi với báo chí, một số luật sư cho rằng, tại thời điểm Công ty Tân Phú hứa mua, hứa bán với Công ty Kim Oanh thì lô đất 43ha vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, vì thế mà quyền sở hữu vẫn thuộc Nhà nước (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt). Do đó, các hợp đồng mua bán hình thành sai chủ thể đều bị vô hiệu.
Kết luận điều tra xác định Tổng công ty 3/2 đã nộp cho Cơ quan điều tra số tiền được coi là thiệt hại của vụ án. Việc nộp số tiền này không có ý nghĩa biến giao dịch chuyển nhượng trái luật thành hợp pháp, dẫn đến Công ty Kim Oanh vẫn sở hữu Công ty Tân Phú với khu đất 43 ha, hưởng lợi trái pháp luật từ khu đất có giá hàng ngàn tỷ đồng này.
Bên cạnh đó, luật sư Trần Tuấn Anh – Công ty Luật Minh Bạch cũng nêu quan điểm, trong vụ việc nêu trên, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định việc mua bán đối với diện tích đất 43ha mà các bị can đã thực hiện là trái quy định của pháp luật, mục đích của các đối tượng phạm tội là thâu tóm “đất vàng” với giá thấp, gây thiệt hại đặc biệt lớn đối với ngân sách Nhà nước, chính vì vậy, đây được xem là công cụ, phương tiện để các bị can này thực hiện tội phạm.
“Theo khoa học pháp lý thì tài sản 43ha “đất vàng” và hồ sơ, tài liệu có liên quan được xem là vật chứng của vụ án. Do đó, theo quy định của pháp luật, các tài sản này phải được kê biên để Hội đồng xét xử quyết định khi xét xử vụ án. Vật chứng này sẽ phải tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đây là biện pháp pháp lý hữu hiệu nhất để thu hồi tài sản nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.” – luật sư Tuấn Anh nói.
Được biết, sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty Kim Oanh triển khai việc động thổ Dự án Khu đô thị Tân Phú. Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương đã buộc dừng thi công do dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy phép xây dựng.Tuy nhiên, Công ty Kim Oanh đã ngay lập tức huy động vốn của nhiều khách hàng dưới hình thức góp vốn hay “Hợp đồng vay tiền”.
Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng…. Nội dung: Bên B là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tân Phú; dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai hạ tầng và sớm đưa sản phẩm ra kinh doanh.
Chỉ tính từ thời điểm tháng 7/2018 đến hết tháng 10/2019, Công ty Kim Oanh đã có 615 giao dịch được chuyển tiền qua ngân hàng theo số tài khoản của Công ty Tân Phú với tổng số tiền lên đến khoảng hơn 466,4 tỉ đồng (chưa kể lượng giao dịch tiền mặt).
Như vậy, Công ty Âu Lạc đã bán thấp so với giá trị được tính với Tổng Công ty Bình Dương lên đến hơn 327 tỉ đồng. Trong đó, giá trị khu đô thị Tân Phú được tính theo bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương năm 2016 thì tổng giá trị đất lên khoảng 3.124 tỉ đồng. Vậy thật sự ai được hưởng lợi trong thương vụ thâu tóm này ?
Vậy nếu không thu hồi, trả lại tài sản cho Nhà nước để đấu giá theo quy định thì phải chăng, Nhà nước vẫn luôn là "chủ thể" phải chịu thiệt thòi trong khi doanh nghiệp thì vẫn được hưởng lợi với số tiền khổng lồ từ những hành vi trái pháp luật trước đó và chênh lệch địa tô. Nếu không thu hồi tài sản trả cho Nhà nước thì phải chăng đang tạo ra "tiền lệ xấu" để các doanh nghiệp cứ mặc sức sai phạm đến khi các cơ quan chức năng phát hiện ra làm trái thì lúc ấy mới đề nghị được nộp tiền chênh lệch ? Ngoài ra, nếu tài sản này không bị thu hồi để trả lại thì phải chăng đang đi ngược lại với chủ trương phòng, chống tham nhũng của Đảng ta đang thực hiện và tài sản Nhà nước sẽ không được thu hồi, "đối xử" công bằng với giá trị của thực tại ? Phải chăng Công ty Kim Oanh xin nộp khoản tiền sử dụng đất chênh lệch và được tiếp tục thực hiện dự án 43 ha chính là để "che giấu" đi việc huy động vốn có dấu hiệu trái pháp luật và nếu không thì có thể đối diện với hành vi vi phạm pháp luật ?
Một số ý kiến còn cho rằng, qua vụ án này có thể thấy đã có dấu hiệu của sự “bắt tay ngầm”, bao che thậm chí tiếp tay, giữa một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, người đứng đầu trong hệ thống cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, với các tổ chức, cá nhân, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm thu lợi bất chính. Hệ quả nguy hại là số lượng lớn tài sản Nhà nước bị thất thoát, cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, làm tổn hại uy tín hệ thống cơ quan công quyền và suy giảm niềm tin của nhân dân. Vì vậy, việc thu hồi, trả lại tài sản Nhà nước là khu đất 43ha đã bị các tổ chức, cá nhân bất chấp luật pháp bán trái quy định để hưởng lợi là việc làm cần thiết lúc này.
Về vấn đề này, trong một bài viết, luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng: Khi sai phạm trong các vụ thu hồi tài sản Nhà nước đã bán dẫn đến một vụ án hình sự được khởi tố, khi đó, tòa án sẽ quyết định tất cả mà không cần có yêu cầu nào của các bên liên quan. Tuy nhiên, về nguyên lý, liên quan đến khía cạnh dân sự, tòa án vẫn chỉ có thể tuyên vô hiệu hay hủy bỏ hợp đồng mua bán để "thu hồi tài sản Nhà nước" nếu có căn cứ rằng giao dịch giữa các bên đã "vi phạm điều cấm" hoặc chưa có hiệu lực.
Vấn đề tiếp theo nữa cần được lưu ý là cho dù bên bán không có thẩm quyền hoặc giao dịch dân sự bị tuyên vô hiệu nhưng bên mua lại hoàn toàn không có lỗi. Trong tình huống đó, hậu quả pháp lý bắt buộc không chỉ là "khôi phục lại trạng thái ban đầu" (trả lại tài sản cho Nhà nước) mà còn bao gồm cả quyền đòi bồi thường thiệt hại của bên mua.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ly-do-vien-kiem-sat-de-nghi-thu-hoi-tra-lai-43ha-dat-vang-kien-nghi-cua-cong-ty-kim-oanh-co-hop-ly-364554.html