Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
* PV: Thị trường chứng khoán giai đoạn gần đây phục hồi tốt, tuy nhiên cũng tạo áp lực lớn khi hướng tới mốc 1.300 điểm. Ông có nhận xét gì về giai đoạn của thị trường hiện nay?
Ông Nguyễn Thế Minh: Thị trường đã có chuỗi tăng liên tiếp và Index cũng đang tiệm cận sát vào vùng 1.300 điểm, đây là ngưỡng cản tâm lý. Về cơ bản trong ngắn hạn áp lực điều chỉnh khá lớn. Những phiên gần đây mặc dù Index tăng nhưng có hai trạng thái một là thanh khoản có phần hụt hơi, yếu hơn so với thời điểm tăng trước. Yếu tố thứ hai độ rộng thị trường tiêu cực hơn. Tâm lý nhà đầu tư thận trọng, vùng cản 1.300 khiến nhà đầu tư chùng tay hơn so với thời điểm trước.
Thị trường đã có chuỗi tăng liên tiếp và Index cũng đang tiệm cận sát vào vùng 1.300 điểm, đây là ngưỡng cản tâm lý. Hiện tại Vn-Index đang dừng chân 1.260 điểm đến 1.285 điểm. Về cơ bản trong ngắn hạn áp lực điều chỉnh khá lớn.
Ông Nguyễn Thế Minh
Bên cạnh đó, những thông tin đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có thể ảnh hưởng tới dòng cổ phiếu này. Thời gian vừa qua, cổ phiếu dòng này cũng đã kéo thị trường khá tốt. Trong bối cảnh kết quả kinh doanh không quá khả quan, và dòng bất động sản chưa lấy lại được đà hồi phục. Bên cạnh đó, room tín dụng của các ngân hàng chưa được mở, nó cũng tạo áp lực rủi ro điều chỉnh thời gian tới dòng cổ phiếu bất động sản.
* PV:Nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có được sự hỗ trợ bởi những nền tảng từ vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông điều này đã có tác động như thế nào đến thị trường?
Ông Nguyễn Thế Minh: Về cơ bản vĩ mô Việt Nam ổn hơn so với các nước phát triển khác, nền kinh tế các nước phát triển khác đang gặp áp lực rủi ro từ lạm phát cao, bên cạnh đó giá hàng hóa vẫn chưa hạ nhiệt hoàn toàn, gây gáp lực lạm phát lớn trong thời gian tới. Việt Nam nằm trên chuỗi cung ứng nên tác động từ lạm phát ít ảnh hưởng hơn so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, tiền đồng Việt Nam vẫn ổn định hơn so với các đồng tiền khác.
Tuy nhiên không thể chủ quan, mặc dù áp lực lạm phát ở Việt Nam hiện tại vẫn ở mức thấp, lãi suất tăng nhưng không tăng nhiều, mặc dù vậy áp lực còn cao và còn tiềm tàng trong tương lai. Tổng thể vĩ mô ổn định nhưng rủi ro trong tương lai còn lớn.
Ngoài ra, kinh tế Việt Nam hiện nay là khả năng thu hút dòng vốn FDI, đây là điểm sáng lớn nhất. Hiện nay Tung Quốc vẫn chưa mở cửa hoàn toàn, do đó làn sóng dịch chuyển về Việt Nam hưởng lợi. Nền tảng vĩ mô sẽ là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán.
* PV: Mặc dù dòng tiền thời gian gần đây đã tốt hơn nhiều giai đoạn trước nhưng vẫn chưa thật sự mạnh mẽ, đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Minh: Dòng tiền hồi phục lại thời gian qua, một phần do nhà đầu tư tận dụng cơ hội thị trường đang ở mức thấp. Bên cạnh đó, thời điểm “ào ạt” tăng lãi suất của FED cũng qua đi, giảm bớt tác động về mặt tâm lý, dự kiến lạm phát hạ nhiệt cuối năm khiến tâm lý nhà đầu tư an tâm hơn gia nhập thị trường. Đó là lý do chính khiến dòng tiền quay trở lại nhưng chưa mạnh. Lạm phát của các nước EU vẫn cao và đang chiều hướng tăng lên, rủi ro trong trung hạn đối mặt với lạm phát tăng và lãi suất tăng vẫn có khiến dòng tiền còn rụt rè.
Chu kỳ thanh toán rút ngắn có thể là yếu tố hỗ trợ thanh khoản thị trường. Ảnh: T.L
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn vướng room tín dụng của các ngân hàng, một tiền đề lớn giúp thị trường chứng khoán có thể khôi phục được thanh khoản. Trong bối cảnh room tín dụng không được mở ra điều này ảnh hưởng dòng tiền chảy vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Room tín dụng thấp sẽ ảnh hưởng tăng trưởng của các ngân hàng trong bối cảnh lạm phát tăng. Ngoài ra, cũng ảnh hưởng tới nhóm bất động sản và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khác.
Từ nay tới cuối năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trái phiếu và nếu không xử lý được sẽ gây nợ xấu tạo ra tiền đề không tốt cho thị trường trái phiếu, ảnh hưởng đến vấn đề huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Hai nhóm ngành ngân hàng, bất động sản có tác động tới thị trường nhưng lại không có nhiều những thông tin hỗ trợ tốt khiến vào thị trường một cách rụt rè hơn chứ chưa mạnh mẽ. Có thể thấy, tâm lý ngắn đã giải tỏa, nhưng trung hạn còn rụt rè.
* PV: Đối với nhà đầu tư, liệu có phải do trải qua giai đoạn sụt giảm mạnh vừa qua, nhiều nhà đầu tư vẫn có tâm lý thận trọng, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Minh: 90% nhà đầu tư trên thị trường là nhà đầu tư cá nhân, do đó yếu tố tâm lý tác động rất lớn. Khi không có những thông tin tốt, dòng cổ phiếu dẫn dắt, không có cơ sở để kéo dòng tiền vào thị trường. Nhà đầu tư nhỏ lẻ thường hành động theo xu hướng, theo thông tin, theo những yếu tố hỗ trợ cho từng nhóm cổ phiếu, khi những yếu tố hỗ trợ này không có dẫn tới nhà đầu tư chưa mặn mà, khiến thanh khoản thị trường còn hụt hơi. Ngoài ra, những yếu tố bên ngoài như FED tăng lãi suất, room tín dụng chưa khơi thông, chưa có câu chuyện đột biến nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa có cơ sở mua vào, do đó thanh khoản thấp.
* PV: Khi chu kỳ thanh toán sẽ được rút ngắn, điều này sẽ hỗ trợ thế nào cho thanh khoản của thị trường sau này?
Ông Nguyễn Thế Minh: Chu kỳ thanh toán T+2 sẽ áp dụng 29/8, việc rút ngắn đưa thị trường về đúng giao dịch T+2 điều này có thể giúp thanh khoản của thị trường cải thiện, là động lực thanh khoản tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng là tiêu chí để chúng ta hoàn chỉnh những tiêu chí xem xét nâng hạng. Chu kỳ thanh toán T+ ở các nước phát triển khác vẫn có T+2 thậm chí T+3, như ở Nhật vẫn là chu kỳ T+3, tại Ấn Độ mới rút ngắn T+3 xuống T+2.
Điều đó có nghĩa là không phải Việt Nam lạc hậu hơn so với các nước. Khi chu kỳ thanh toán được rút sẽ làm tăng thêm độ tin cậy trong việc xem xét nâng hạng, chu kỳ thanh toán vẫn là yếu tố mà các quỹ chỉ số xem xét cân nhắc nâng hạng thị trường.
* PV: Với những diễn biến hiện tại thì trong thời gian tới nhà đầu tư cần có chiến lược đầu tư như thế nào cho phù hợp?
Ông Nguyễn Thế Minh: Nhà đầu tư nên có chiến lược phòng thủ là chính, tỷ trọng năm giữ tài sản an toàn như tiền mặt, tiền gửi có độ ưu tiên cao. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội cho thị trường những tháng cuối năm, do đó nhà đầu tư có thể giá tăng tỷ trọng vào cuối năm. Tuy nhiên, chiến lược chung chọn cổ phiếu có tính phòng thủ ít ảnh hưởng tác động từ lạm phát.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Thay vì đợi qua 3 phiên giao dịch mới có thể hành động, hiện nhà đầu tư đã có thể rút ngắn thời gian giao dịch, có khả năng ứng phó nhanh nhạy hơn với những biến động mạnh của cổ phiếu và thị trường. Từ đó, tỷ suất sinh lời trong quá trình đầu tư sẽ có thể được cải thiện. Đồng thời, chu kỳ thanh toán được rút ngắn cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động tích cực lên thanh khoản của thị trường khi thu gọn thời gian thanh toán lên nửa ngày, nhờ vậy vòng quay giao dịch của nhà đầu tư sẽ tăng lên.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chu-ky-thanh-toan-rut-ngan-co-the-la-yeu-to-ho-tro-thanh-khoan-thi-truong-365193.html