Cổ phiếu Việt giảm mạnh theo thế giới
Mở cửa phiên giao dịch 29/8, hàng loạt cổ phiếu các nhóm ngành giảm ngay từ đầu phiên khiến chỉ số VN-Index giảm hơn 17 điểm.
Tính tới 9h40, có 28 trong số 30 cổ phiếu trụ cột nhóm VN30 giảm giá, chỉ có Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và Tổng công ty dầu khí Việt nam (GAS) tăng nhẹ.
Cổ phiếu Sabeco (SAB) giảm 3.000 đồng xuống 185.000 đồng/cp; Thế Giới Di Động giảm 1.200 đồng xuống 71.000 đồng/cp; Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn cũng giảm 1.200 đồng xuống 82.100 đồng/cp; Vinamilk giảm 1.100 đồng xuống 75.800 đồng/cp…
Giới đầu tư chịu tác động tâm lý mạnh từ những diễn biến xấu của thị trường chứng khoán thế giới cuối tuần qua trên thị trường Mỹ và đầu giờ sáng nay trên thị trường châu Á.
VN-Index giảm mạnh đầu phiên giao dịch 29/8.
Vào cuối tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ tụt giảm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 1.000 điểm (giảm hơn 3%), S&P 500 giảm gần 3,4%, Nasdaq Composite giảm hơn 3,9% sau khi chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa ra quan điểm cứng rắn một cách rõ ràng trong bài phát biểu trong hội nghị ngân hàng trung ương các nước tại Jackson Hole (Mỹ).
Hội nghị tại Jackson Hole được xem là hội nghị tinh hoa, có nguồn gốc từ Hy lạp với các triết gia, sử gia, kinh tế gia… Hội nghị Jackson Hole được xem là nơi mà các quốc gia thể hiện lập trường chính sách mang tính chiến lược.
Tại Hội nghị Jackson Hole năm nay, chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định quan điểm rõ ràng của Mỹ rằng, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát cho dù thừa nhận chính sách này sẽ làm tổn thương mà doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ.
Ông Jerome Powell cho khẳng định rõ ràng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ đương nhiên của Fed và cơ quan này thực hiện nhiệm vụ này là không phải bàn cãi nhiều.
Chủ tịch Fed cho biết việc không thể khôi phục lại sự ổn định về giá cả sẽ gây ra nỗi đau còn lớn hơn nhiều.
Hiện tại, điều mà Fed cũng như ngân hàng trung ương nhiều nước lo lắng chính là lạm phát kỳ vọng còn cao cho nên lạm phát sắp tới có thể vẫn còn cao. Lịch sử cho thấy, lạm phát kỳ vọng tương lai của người dân đóng vai trò quan trọng đối với lạm phát trong tương lai.
Lạm phát kỳ vọng tại nước Anh là gần 20% vào đầu 2023 (so với mức hơn 10% như hiện tại). Đây là một áp lực rất lớn đối với các nhiều điều hành. Còn tại Mỹ, lạm phát dù đã giảm từ mức đỉnh 9,1% hồi tháng 6 xuống 8,5% trong tháng 7 nhưng được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trở lại trong tháng 8.
Trước đó, Fed đã có 4 đợt tăng lãi suất kể từ đầu năm, với tổng cộng 225 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% lên 2,25%-2,5%. Trong cuộc họp tháng 9 tới, Fed có khả năng sẽ tăng tiếp 50-75 điểm phần trăm tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô.
Chờ tín hiệu chính sách
Với Việt Nam, nền tảng vĩ mô ổn định hơn và Chính phủ Việt Nam có nhiều dư địa chính sách hơn để chống lại tác động tiêu cực từ thị trường tài chính, tiền tệ và hàng hóa thế giới. Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nâng lãi suất cơ bản.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2022 tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.
VN-Index quay đầu giảm sau nhiều tuần hồi phục.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng có thể sẽ bàn tới việc giảm thuế thuế tiêu thụ đặc biệt và thếu VAT của xăng dầu. Nếu thuế giảm sẽ tác động mạnh tới lạm phát kỳ vọng tại Việt Nan.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng so với thế giới. Dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và gián tiếp vẫn ở mức cao. Tiền từ kiều hối cũng là một điểm sáng cho bức tranh sức khỏe tài chính của Việt Nam.
Tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết cũng được nhiều tổ chức dự báo ở mức cao 15-25%. Với mức tăng trưởng khiêm tốn nhất trong các dự báo thì định giá chung cổ phiếu Việt vẫn đang ở mức khá hấp dẫn, P/E forward cho 2023, theo FIDT, chỉ còn khoảng quanh 11.x lần. Tín hiệu dòng vốn quy mô lớn đón đầu 2023 cũng đã xuất hiện.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), VN-Index có xu hướng dao động quanh ngưỡng 1.280 điểm và đang tích lũy nhằm tiến tới kiểm tra ngưỡng 1.300 điểm vào tuần mới. VDSC cho rằng, thị trường vẫn duy trì tăng điểm nhưng sự thận trọng, áp lực bán ngắn hạn đang gia tăng mạnh hơn sau 7 tuần tăng điểm.
Cuối tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, room tín dụng sẽ được công bố trong tuần này, điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Gần đây, nhiều ngân hàng đề nghị NHNN nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để triển khai gói hỗ trợ tốt hơn.
Theo số liệu NHNN, tính đến giữa tháng/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 4 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm 4,38%, tương đương quy mô khoảng 457.000 tỷ đồng.
Việc công bố room tín dụng được xem là thông tin tích cực đối với ngân hàng, doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Link nội dung: https://biztoday.vn/the-gioi-bat-on-sac-do-bao-trum-thi-truong-chung-khoan-viet-366991.html