Không riêng Fed, loạt ngân hàng trung ương khác cũng gửi đi thông điệp ‘diều hâu’ từ Jackson Hole

Đà tăng của giá cả được cho là đã lan rộng, sẽ kéo dài dai dẳng và đòi hỏi những hành động mạnh mẽ. Tại hội nghị Jackson Hole, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, bao gồm Fed và ECB, đã phát đi những tín hiệu cứng rắn và thống nhất trong cuộc chiến chống lạm phát.

ecb-1661744022.jpg Bà Isabel Schnabel, Thành viên Ban Điều hành ECB tại hội nghị thường niên Jackson Hole, ngày 25/8/2022. (Ảnh: Reuters).

Theo Bloomberg, lãnh đạo của ngân hàng trung ương các nước Nhật Bản, Thụy Sỹ, Anh, Hàn Quốc, châu Âu (ECB) hôm 27/8 đã phát biểu tại hội nghị thường niên Jackson Hole do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tổ chức tại bang Wyoming.

Những phát biểu này được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tối 26/8 tuyên bố ngân hàng trung ương Mỹ quyết tâm thắt chặt tiền tệ một cách mạnh tay để chế ngự lạm phát, bất chấp một số thiệt hại về kinh tế.

Lạm phát tại Mỹ cũng như châu Âu đang ở vùng đỉnh 40 năm và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở cả hai nền kinh tế này đều cam kết sẽ duy trì quan điểm "diều hâu" và nâng lãi suất để kìm hãm giá cả, xua đi những lời đồn đoán rằng Fed và ECB sẽ nao núng khi tăng trưởng kinh tế sa sút.

Khi nói về chính sách tiền tệ, "diều hâu" mang nghĩa thắt chặt cung tiền và nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, còn "bồ câu" nghĩa là ưu tiên nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng GDP và việc làm.

du-an-1661744078.jpeg Lạm phát tại Mỹ và châu Âu hiện nay đều đang ở vùng cao nhất nhiều thập kỷ.

Hội nghị Jackson Hole 2022 – sự kiện gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các ngân hàng trung ương lớn nhất toàn cầu kể từ đầu đại dịch – là dịp để các quan chức thuyết phục giới đầu tư rằng kế hoạch ghìm cương lạm phát sẽ được thực hiện đến cùng, cho dù có gây ra đau đớn cho nền kinh tế.

Bà Isabel Schnabel, Thành viên Ban Điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kêu gọi những người đồng nghiệp ở các nước hãy hành động với quyết tâm cao để kiểm soát đà tăng của giá cả. Tháng 7 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở khu vực đồng Euro tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021, CPI của Liên minh châu Âu (EU) còn vọt lên tới 9,8%, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ là 8,5%.

“Cả xác suất xảy ra và thiệt hại của việc tỷ lệ lạm phát cao hiện nay ăn sâu vào kỳ vọng của nền kinh tế đều cao một cách khó chấp nhận”, bà Schnabel nói. “Trong môi trường hiện nay, các ngân hàng trung ương cần phải hành động mạnh mẽ, quyết tâm không để người dân bắt đầu nghi ngờ về sự ổn định dài hạn của đồng tiền chung”.

Bà Schnabel cũng thừa nhận rằng có rủi ro suy thoái kinh tế nhưng vẫn tuyên bố với các lãnh đạo ngân hàng trung ương khác rằng: “Cho dù có rơi vào suy thoái thì chúng ta cũng gần như không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ tiếp tục con đường bình thường hóa chính sách”.

Phát biểu của nhà nữ lãnh đạo ECB có nét tương đồng với Chủ tịch Fed một ngày trước đó. Hôm 26/8, ông Jerome Powell khẳng định: “Việc cắt giảm lạm phát nhiều khả năng sẽ kéo theo một giai đoạn dài với tăng trưởng dưới xu hướng dài hạn”.

Trong cả hai quý đầu năm 2022, GDP của Mỹ đều suy giảm. Nhiều nhà phân tích và giới đầu tư tuyên bố nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào suy thoái nhưng các quan chức Fed và Nhà Trắng cho rằng tình hình không bi quan đến vậy.

lam-phat-2-1661744148.png Số liệu quý II/2022 được cập nhật vào ngày 25/8.

Các quan chức ECB đang thảo luận xem nên nâng lãi suất thêm bao nhiêu trong cuộc họp tháng 9. Vào tháng 7, ECB đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps). Một số thành viên Hội đồng quản lý cho rằng ECB ít nhất cũng phải xem xét tăng 75 bps trong tháng tới.

Ông Francois Villeroy de Galhau, Thành viên Hội đồng quản lý của ECB, phát biểu trong cùng phiên thảo luận với bà Schnabel rằng các nhà hoạch định chính sách cần quyết tâm chế ngự lạm phát đang ở mức cao kỷ lục nhằm tránh bị đẩy vào tình huống phải nâng lãi suất “một cách khủng khiếp không cần thiết” sau này.

Các quan chức tiền tệ tại Jackson Hole còn tranh luận về việc liệu lạm phát cao sẽ kéo dài bao lâu. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ Thomas Jordan cho rằng các nhân tố cấu trúc trong nền kinh tế có thể góp phần gây ra lạm phát cao dai dẳng trong nhiều năm tới và đà tăng giá cả đang ngày càng lan rộng.

“Có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang lan rộng ra nhiều loại hàng hóa và dịch vụ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch hay cuộc xung đột ở Ukraine”, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ nói.

Các chuyên gia khác cũng có quan điểm tương tự. Bà Gita Gopinath, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng lạm phát cao ở Mỹ sẽ còn kéo dài thêm ít nhất một hoặc hai năm nữa.

Ông Agustin Carstens, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có rủi ro bị suy yếu kéo dài nếu các ngân hàng trung ương không hợp tác cùng chính phủ để giải quyết các vấn đề từ phía cung đang đẩy lạm phát lên cao.

imf-1661744206.jpg Bà Gita Gopinath, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của IMF. (Ảnh: Bloomberg)

“Những nếp nhăn kinh tế”

“Các ngân hàng trung ương không thể hy vọng ủi phẳng tất cả những nếp nhăn trong nền kinh tế mà thay vào đó phải tập trung cao độ vào việc giữ cho lạm phát thấp và ổn định”, Tổng Giám đốc BIS nhận định. “Chính sách tiền tệ cần phải đáp ứng được nhu cầu gấp rút trong việc ứng phó với mối đe dọa lạm phát hiện nay”.

Các lãnh đạo ngân hàng trung ương cũng nhận thấy cần phải gửi đi những thông điệp rõ ràng hơn và đơn giản hơn. Bằng chứng rõ nhất là bài phát biểu của ông Powell. Năm nay, Chủ tịch Fed chỉ nói trong 8 phút với nội dung gói gọn trong 5 trang giấy, ngắn hơn đáng kể so với các năm trước.

Ông Joachim Nagel, Thành viên Hội đồng quản lý ECB, cho rằng các nhà hoạch định chính sách đôi khi làm cho thông điệp trở nên phức tạp quá mức.

“Câu chuyện khá rõ ràng: Lạm phát đang quá cao. Và câu trả lời cũng khá hiển nhiên: Các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất”, ông Joachim Nagel, người đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức, phát biểu ngày 27/8.

“Vấn đề phức tạp có lẽ là khi nào chúng ta sẽ dừng lại, hoặc khi nào sẽ đến lúc mà chúng ta phải dừng lại. Và tôi phải nói là tôi thực sự không biết. Hiện vẫn còn quá sớm để nghĩ về con số lãi suất cuối cùng”. 

nh-tu-duc-1661744273.png (Đồ họa: Song Ngọc)

Đến từ phương Đông, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda lại miêu tả một tình huống kinh tế khác biệt hoàn toàn với những gì đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu.

“Thật là kỳ diệu, Nhật Bản đang ghi nhận mức lạm phát 2,4%. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là giá cả hàng hóa, năng lượng và thực phẩm quốc tế tăng cao”, ông Kuroda nói.

Trong ba thập kỷ gần đây, Nhật Bản liên tục bơm tiền và giữ lãi suất ở mức siêu thấp với hy vọng đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao. Chính sách nới lỏng hiện tại của Nhật Bản trái ngược với kế hoạch nâng lãi suất đang được thực hiện ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới. 

cpi-1661744397.png Nhiều nền kinh tế ghi nhận CPI tháng 7 tăng 9-10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong cho biết có khả năng cao là Hàn Quốc và các nền kinh tế mới nổi của châu Á sẽ quay lại môi trường tăng trưởng thấp và lạm phát thấp từng phổ biến trong giai đoạn trước đại dịch.

Hàn Quốc hiện nay cũng đang phải lo khống chế lạm phát và mới nâng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản hồi tuần trước.

Link nội dung: https://biztoday.vn/khong-rieng-fed-loat-ngan-hang-trung-uong-khac-cung-gui-di-thong-diep-dieu-hau-tu-jackson-hole-366995.html