Mới đây, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người thu nhập thấp. Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án đầu tư để từ nay đến năm 2030 có ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này trước hết cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý hiện tại để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Hiện nay, do vướng các thủ tục pháp lý như trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán NƠXH còn phức tạp và kéo dài nên nhiều doanh nghiệp không triển khai được các dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân. Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân tuy có nhưng chưa đủ hấp dẫn. Lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án đối với trường hợp bán NƠXH không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; đối với NƠXH để cho thuê, cho thuê mua thì lợi nhuận không được quá 15% tổng chi phí đầu tư, chưa kể quy định miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế… thì chủ đầu tư không được hưởng mà là người dân được hưởng. Do đó không thu hút, khuyến khích doanh nghiệp làm dự án NƠXH.
Theo quy định của pháp luật thì không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NƠXH hoặc ưu đãi thuế đối với chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân chỉ để cho thuê không thực hiện được do pháp luật về thuế không có quy định. Bên cạnh đó, theo quy định các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.
Hiện trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn gây lãng phí xã hội và giảm thu hút đầu tư vào NƠXH để cho thuê.
Để khắc phục thực trạng NƠXH hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 định hướng phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân trong thời gian tới.
Thứ nhất, phát triển NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Thứ hai, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp tại đô thị, khu công nghiệp.
Thứ ba, phát triển NƠXH, nhà ở công nhân gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phù hợp với điều kiện của từng nơi.
Thứ tư, các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố phát triển toàn diện NƠXH, đồng thời coi đây là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện quy định về phát triển các khu nhà trọ với quy chuẩn, điều kiện về không gian, vệ sinh, môi trường phù hợp, ngày càng văn minh. Các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn trong phát triển NƠXH cho công nhân, người lao động.
Trước mắt, cần giảm các thủ tục hành chính phức tạp để các chủ đầu tư có thể thực hiện nhanh dự án, qua đó tăng nguồn cung NƠXH. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); trong đó sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp (như quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển NƠXH; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước…) và tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.
Link nội dung: https://biztoday.vn/den-nam-2030-lam-gi-de-co-1-trieu-can-ho-nha-o-xa-hoi-368126.html