HTX 'thiệt đơn, thiệt kép' vì chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ

Mong muốn phát triển chuỗi giá trị bền vững, đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại nên không ít HTX thay đổi tư duy, có kế hoạch sản xuất rõ ràng. Tuy nhiên, để kế hoạch đó trở thành hiện thực, chỉ nỗ lực của bản thân HTX là chưa đủ, mà phải cần “sự đi vào thực tiễn” của các chính sách.

Điển hình, dù đã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất chuỗi tôm xuất khẩu theo tiêu chuẩn chứng nhận ASC, nhưng HTX nông ngư Hòa Đê (Sóc Trăng) vẫn gặp không ít khó khăn khi tham gia liên kết.

HTX vẫn "tự bơi" là chính

Hiện tại, HTX chưa có trụ sở, chưa có hệ thống điện 3 pha phục vụ sản xuất. Cơ sở hạ tầng giao thông vùng nuôi tôm không thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển tôm, nguyên liệu đầu vào.

Đặc biệt, HTX hiện cần vốn để đầu tư nhà xưởng, kho chứa bảo quản sản phẩm. Thế nhưng, tuy đã có một số chính sách hỗ trợ vốn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX Hòa Đê vẫn rất khó vay từ ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Chính vì vậy, dù nhu cầu thị trường về tôm chế biến, xuất khẩu rất lớn nhưng HTX khó có thể mở rộng sản xuất và nhiều lần đánh mất các cơ hội liên kết với doanh nghiệp.

“Không chỉ mất cơ hội hợp tác, việc không có vốn đầu tư mở rộng sản xuất cũng khiến nhiều thành viên chán nản, mất niềm tin trong sản xuất. Điều này cũng khiến HTX khó thút người dân tham gia”, ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX chia sẻ.

Còn tại HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng (Quảng Trị), để tồn tại, phát triển và thích ứng với thị trường, HTX đã phải đẩy mạnh đa dạng các dịch vụ nhằm hỗ trợ các thành viên sản xuất kinh doanh theo chuỗi.

Hằng năm, HTX huy động được khoảng 50-100 thành viên có nguồn vốn nhàn rỗi gửi tiền vào quỹ tín dụng nội bộ, sau đó cho các thành viên khác có nhu cầu được tạo điều kiện vay vốn. Đến nay, HTX đã có nguồn vốn tín dụng nội bộ khoảng 15 tỷ đồng, hỗ trợ cho 100 hộ thành viên xây dựng trang trại, 30 hộ đầu tư các loại xe để hoạt động, vận chuyển nông sản. Ngoài ra, HTX còn mua các loại máy móc nông nghiệp để phục vụ sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch.

“Làm được những việc trên là nhờ nguồn vốn tích lũy của HTX kết hợp với huy động vốn của các thành viên. Nếu để thành viên tự sản xuất, tự vay vốn, tiếp cận các chính sách hỗ trợ thì rất khó”, ông Nguyễn Thể, Giám đốc HTX cho biết.

Thực tế, việc thiếu vốn sản xuất, khó tiếp cận chính sách hỗ trợ là chuyện không hiếm gặp ở các HTX. Chính vì vậy mà dù rất muốn mở rộng sản xuất, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa nhằm thích ứng với thị trường nhưng nhiều HTX vẫn phải “tự bơi” là chính.

-3468-1661852274.jpg

Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn khó khăn khiến các HTX khó mở rộng sản xuất để thích ứng với thị trường và khó tạo niềm tin cho thành viên, người dân.

Đánh giá về những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, ông Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, các chính sách bước đầu giúp HTX phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hóa, từng bước xây dựng chuỗi giá trị. Từ đó, khẳng định vai trò của HTX trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy về cơ bản, tỷ lệ HTX được hưởng thụ các chính sách hỗ trợ (tín dụng, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ, đất đai…) còn rất thấp.

Tính đến năm 2021, mới chỉ có 1.716 HTX được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác (nằm trong nhóm chính sách tài chính tín dụng); 1.591 HTX được giao đất, cho thuê đất để hoạt động theo quy định của pháp luật; 3.766 HTX được hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường; 1.525 HTX được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng…

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ đến với khu vực kinh tế tập thể, HTX còn quá quá ít ỏi nên chưa thực sự tiếp thêm động lực để các HTX đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, vì thế chậm thích ứng với thị trường.

Chính sách cần đi đôi với nguồn lực

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang cho biết, phần lớn các HTX hiện nay đều thiếu vốn hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh, thiếu trụ sở hoạt động cũng như các trang thiết bị cần thiết. Đặc biệt là thiếu đất đai, thiếu vốn đầu tư các trang thiết bị để kết nối thông tin, thực hiện chuyển đổi số, nên hạn chế trong việc nắm bắt thị trường, định hướng phát triển sản xuất kinh doanh.

Nguyên nhân là do nhiều chính sách của Nhà nước được ban hành để hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển nhưng thiếu nguồn lực đi kèm nên khó triển khai thực hiện trong thực tiễn. Hiện, hỗ trợ mới chỉ tập trung vào công tác bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho HTX nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Đặc biệt, chính sách về đất đai phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh cho HTX còn nhiều bất cập do các địa phương thiếu nguồn đất công để hỗ trợ HTX. Hay chính sách khuyến khích dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai để HTX sản xuất hàng hóa lớn vẫn vướng về thời hạn giao đất, quy mô tích tụ ruộng đất...

Dẫn chứng về điều này, ông Võ Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (Quảng Bình) cho biết, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn rất cần xây dựng những kho bãi diện tích lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao cũng cần phải có quỹ đất lớn. Thế nhưng, việc Luật Đất đai không cho xây dựng các công trình kiên cố phục vụ sản xuất trên đất lúa đang cản trở mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất của HTX. Điều này khiến HTX "thiệt đơn, thiệt kép" vì vừa khiến thành viên không mặn mà với đồng ruộng lại khó liên kết với doanh nghiệp.

Hay ngay như chính sách tín dụng (Nghị định 55/2015/ NĐ-CP) đã ghi rõ HTX có thể vay vốn đến 1 tỷ đồng mà không cần thế chấp. Nhưng trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn vay này của không ít HTX còn gặp nhiều khó khăn vì ngân hàng vẫn đòi hỏi tài sản thế chấp. Chính vì vậy mà có những thành viên HTX phải tự thế chấp nhà đất cá nhân để vay vốn với lãi suất cao từ ngân hàng thương mại và vay vốn từ người thân để đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất kinh doanh…

Ngoài việc chính sách hỗ trợ dàn trải, chưa có nguồn lực đi kèm, việc các thủ tục hành chính rườm rà, quy định tại các địa phương chưa phù hợp cũng là nguyên nhân khiến khu vực kinh tế tập thể, HTX khó tiếp cận các nguồn hỗ trợ .

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (Hà Nội) cho hay, HTX mất nhiều thời gian với mong muốn tiếp cận Nghị định số 98 về khuyến khích hợp tác liên kết trong tiêu thụ nông sản theo chuỗi nhưng vẫn chưa xong khâu thủ tục hồ sơ.

Cụ thể, để được hỗ trợ, mô hình sản xuất của HTX phải đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, có giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Song, do các thủ tục gặp vướng nên việc xây dựng phương án đề nghị được hỗ trợ vẫn chưa được giải quyết.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Tiến Định cho rằng, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX cần được sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát huy được tính sáng tạo của thành viên HTX.

Việc ban hành chính sách cần nêu rõ điều kiện, tiêu chí, nguồn lực, cách thức để các HTX tiếp cận một cách công bằng. Cơ chế chính sách của Nhà nước cần tập trung, sát với nhu cầu của khu vực kinh tế tập thể và phát huy được nhiều nguồn lực hỗ trợ HTX (ngân sách nhà nước, vốn góp của thành viên, tín dụng ngân hàng và nguồn lực xã hội…).

“Nếu muốn xây dựng khu vực nông thôn mang lại phúc lợi lớn nhất cho người dân với sự lan tỏa cao nhất, các chính sách cần khắc phục được tình trạng xa rời thực tiễn, dàn trải, thiếu nguồn lực đi kèm như hiện tại”, ông Định nhấn mạnh.

Link nội dung: https://biztoday.vn/htx-thiet-don-thiet-kep-vi-chua-tiep-can-duoc-chinh-sach-ho-tro-368301.html