Số liệu về hoạt động xuất khẩu (XK) mà Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy kim ngạch XK hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Lo nhu cầu thị trường sụt giảm
Tuy nhiên, bên cạnh những con số tăng trưởng XK trên thì vẫn còn đó nỗi lo của các DN về khả năng giảm đơn hàng XK trong tháng 9/2022 và Quý 4/2022 khi nhìn vào những biến động trên thị trường thế giới.
4 tháng cuối năm 2022 thị trường sẽ còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN dệt may. |
Trao đổi với VnBusiness về tình hình đơn hàng XK trong 4 tháng cuối năm nay, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan Tp. HCM cho rằng sẽ tương đối khó khăn vì nhu cầu thị trường sụt giảm.
Đơn cử như với các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đang có sự sụt giảm về nhu cầu của người tiêu dùng. Cho nên khả năng các đơn hàng XK cũng giảm theo.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, khi ngồi với nhau thì các doanh nghiệp (DN) nhận định trong khó khăn có thuận lợi là ở Việt Nam đang ở độ an toàn tốt về kinh tế, chính trị xã hội. Điều đó sẽ tạo ra sức hút đơn hàng từ các nhà thu mua quốc tế.
“Quan trọng là các DN cần cân đối đủ việc làm cho người lao động và kết nối với nhau nhằm liên tục có đơn hàng. Và dù đơn hàng có sụt giảm thì các DN nên cố gắng duy trì sản xuất, để khi đơn hàng khởi sắc trở lại sẽ không bị động”, ông Hồng chia sẻ.
Còn ở góc nhìn của ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Da giày Tp.HCM, nói một cách khách quan thì đơn hàng của các DN trong ngành da giày sẽ không thiếu.
Nhất là khi Trung Quốc đang có xu hướng cắt giảm sản xuất mặt hàng này, giờ chỉ còn Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Indonesia. Thành ra, nếu so về lợi thế cạnh tranh thì đơn hàng chắc chắn sẽ đổ nhiều về Việt Nam. Quan trọng là nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu phải đủ đáp ứng cho các DN, tránh không bị đứt gãy nguồn cung.
Theo ông Khánh, thông thường các đơn hàng XK da giày sẽ được phía DN ký dài hạn khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, gần đây khi ký hợp đồng ngắn hạn thì áp lực thời gian giao hàng sẽ tăng lên vì phía đối tác có yêu cầu DN giao hàng sớm, đúng ngày.
Bên cạnh đó, vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Da giày Tp.HCM cho rằng da giày XK vào thị trường EU là chính, rồi mới đến Mỹ. Nhưng trên thực tế, đơn hàng XK da giày vào EU thời gian qua có sự sụt giảm là do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như lạm phát tăng cao.
Mặc dù tự tin là đơn hàng sẽ không thiếu, nhưng ông Khánh cũng thừa nhận tình trạng hiện tại có những DN trong ngành thay phiên nhau cho công nhân nghỉ vì sụt giảm đơn hàng.
Linh hoạt điều chỉnh, ứng phó thích hợp
Bàn về tình hình thế giới có thể ảnh hưởng đến đơn hàng XK của các DN trong 4 tháng cuối năm 2022, giới chuyên gia nhận định nền kinh tế trên toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với lạm phát cao hơn dự kiến, đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo đó, các điều kiện tài chính toàn cầu đang trở nên chặt chẽ hơn, sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ khiến tăng trưởng giảm xuống 2,3% trong năm nay và 1% trong năm tới.
Không chỉ vậy, việc tiếp tục đóng cửa do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc và khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng đã đẩy tăng trưởng xuống 3,3% trong năm nay – mức chậm nhất trong hơn bốn thập kỷ, không kể đại dịch.
Ngoài ra, khu vực đồng tiền chung châu Âu, tăng trưởng đã được điều chỉnh xuống 2,6% trong năm nay và 1,2% vào năm 2023, phản ánh tác động lan tỏa từ cuộc chiến Ukraine và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Vì thế, việc XK đối với nhiều ngành hàng chủ lực có thể sẽ gặp khó khăn trong 4 tháng cuối năm nay và kể cả trong năm 2023. Hiện nay do tình trạng lạm phát tại các nước trên thế giới đang tăng cao dẫn đến sức mua giảm và hàng tồn kho ngày càng tăng. Điều này dẫn đến tình trạng số đơn đặt hàng mới giảm, giãn tiến độ các đơn đặt hàng đã đặt.
Với ngành dệt may, theo ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Quý 4/2022 thị trường sẽ còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN dệt may, đòi hỏi các đơn vị phải linh hoạt, chủ động tìm giải pháp ứng phó phù hợp, chuẩn bị từ xa để tránh tình trạng đứt thanh khoản.
Như lưu ý của CTCP chứng khoán VnDirect, nhu cầu dệt may tại Mỹ có thể hạ nhiệt trong các tháng cuối năm 2022 do lạm phát cao. Nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại.
Theo ban lãnh đạo các công ty may mặc, khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát.
Các DN lớn như CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, CTCP Sợi Thế Kỷ, CTCP Damsan có đủ đơn đặt hàng cho Quý 3/2022 nhưng lượng đơn đặt hàng trong Quý 4/22 đã chậm lại do lo ngại về lạm phát.
Hoặc như trong ngành thuỷ sản, chuyên gia phân tích của Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản (Vasep) nhận định lạm phát và đồng đô la tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh…
Tựu trung lại, giữa những thách thức về mặt đơn hàng như vậy đòi hỏi các DN cần theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động đó đến sản xuất, XK để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chong-chenh-don-hang-xuat-khau-cac-thang-cuoi-nam-368305.html