Nửa đầu năm 2022, Cục thuế TP. Hà Nội thực hiện thu hồi và xử lý nợ đọng thuế gần 4.400 tỷ đồng.
Trong kỳ đăng công khai tháng 8, Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện công khai lần đầu nợ thuế đối với 348 người nộp thuế với tổng số nợ khó thu và khả năng thu gần 156 tỷ đồng.
Cùng với đó, 160 người nộp thuế sau khi thực hiện công khai trong năm 2021 đến thời điểm rà soát cũng nộp hết nợ vào ngân sách nhà nước, với số tiền gần 50 tỷ đồng.
Cụ thể, tính tới kỳ khóa sổ 30/6, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết có 332 người nộp thuế nợ thuế, phí công khai lần đầu với số tiền gần 128,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong danh sách có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng nợ thuế “khủng”.
Đứng đầu là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC có số nợ khả năng thu tại kỳ khóa sổ 30/6 là 78,8 tỷ đồng; số tiền đã nộp đến ngày 24/8 là 2,6 tỷ đồng. Như vậy, số tiền nợ thuế tại kỳ khóa sổ 30/6 còn lại của tập đoàn này là 76,2 tỷ đồng.
Trong đó, khoản nợ lớn nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản gần 48 tỷ đồng; nợ thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh 21,5 tỷ; nợ thuế thu nhập cá nhân thu nhập từ tiền lương và tiền công của người lao động là 4,3 tỷ đồng…
Trước đó, cuối tháng 8, Chi cục Thuế khu vực TP. Sầm Sơn - Quảng Xương (Thanh Hóa) cũng ban hành 8 quyết định cưỡng chế 130,8 tỷ đồng bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC mở tại các ngân hàng, do nợ thuế quá 90 ngày.
Nửa đầu năm, nợ phải trả của FLC tăng từ 24.000 tỷ đồng lên hơn 27.000 tỷ đồng; trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 19.000 tỷ đồng, tương đương 70%.
Tiếp đến, trong danh sách nợ thuế, phí công khai lần đầu được Cục Thuế TP. Hà Nội công bố, Công ty cổ phần Sông Đà 4 còn nợ gần 8 tỷ đồng; trong đó, nợ thuế giá trị gia tăng hàng sản xuất, kinh doanh trong nước hơn 6 tỷ; nợ tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại 1 tỷ đồng…
Trong thời gian tới, Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tiến hành nhiều giải pháp quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng. Đồng thời, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, đề xuất các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế quyết liệt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư có nguồn tiền nhưng cố tình chây ỳ, không hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
(Cục Thuế TP. Hà Nội)
Công ty cổ phần tư vấn phát triển xây dựng Sông Hồng nợ gần 2,3 tỷ đồng; Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Xuân Phú nợ 4,36 tỷ đồng; Công ty cổ phần Licogi 166 nợ hơn 1,1 tỷ đồng…
Cũng trong kỳ đăng công khai lần này, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng "bêu tên" 5 người nộp thuế nợ nghĩa vụ liên quan đến đất công khai lần đầu với số tiền gần 27 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tạp Phẩm có khoản nợ khó thu gần 12 tỷ đồng; Công ty TNHH thương mại và công nghiệp Sao Bắc nợ gần 7 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư phát triển và thương mại Việt Tiến nợ 5,8 tỷ đồng...
Ngoài ra, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng công bố danh sách 11 người nộp thuế nợ khó thu thuế, phí với số tiền 343 triệu đồng, gồm: Công ty cổ phần bất động sản Grandhome Việt “chây ỳ” nợ gần 217 triệu đồng, chủ yếu là tiền giá trị gia tăng hàng sản xuất và kinh doanh trong nước và tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng; Công ty TNHH Học viện Thẩm mỹ Venus Academy nợ hơn 15 triệu…
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đồng thời đảm bảo tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, chống thất thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế TP. Hà Nội khuyến cáo các chủ dự án, doanh nghiệp sớm thu xếp được nguồn tài chính để nộp các khoản tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.
Nửa đầu năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn TP. Hà Nội do cơ quan thuế quản lý đạt kết quả tích cực với 167.679 tỷ đồng, tương ứng 59,5% dự toán pháp lệnh, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021 (tổng thu không bao gồm tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn thời hạn nộp trong 6 tháng đầu năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ).
Cũng trong thời gian này, Cục thuế TP. Hà Nội thực hiện thu hồi và xử lý nợ đọng thuế được 4.398 tỷ đồng, đóng góp vào kết quả chung của thành phố và của cả nước. Công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế hướng tới mục tiêu kép vừa thu hồi nợ thuế, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên tinh thần: tập trung phân loại hồ sơ nợ, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, người nộp thuế nhưng kiên quyết xử lý đối với các đơn vị chây ỳ, có dấu hiệu chiếm dụng tiền thuế.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ha-noi-nhieu-doanh-nghiep-dia-oc-va-xay-dung-co-dau-hieu-chiem-dung-tien-thue-369698.html