Theo Petrolimex, bình quân mỗi ngày xăng dầu bán ra khoảng 17.000 m3 trên kênh bán lẻ trực tiếp, nhưng gần đây tăng lên trên 21.000 m3, riêng ngày 31.8 ghi nhận 27.000 m3, tăng 60% so với ngày thường.
Tập đoàn này cho rằng, sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã gây áp lực lớn trong tạo nguồn do hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh, trong khi mua hàng không thể bù đắp ngay lập tức cho thiếu hụt. Thế nên, nguy cơ thiếu nguồn hàng cục bộ rất dễ xảy ra nếu việc kiểm soát tồn kho, vận chuyển, nhất là tại các địa bàn xa kho xăng dầu đầu mối, không được phối hợp vận hành chặt chẽ.
Trong khi đó, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu về đến cảng (premium) và chi phí vận tải tạo nguồn trong nước chưa được tính đủ từ kỳ điều hành giá ngày 11.7 đến nay. Việc này, theo "ông lớn" xăng dầu đã tạo khó khăn rất lớn về nguồn lực tài chính của các thương nhân đầu mối để chia sẻ thù lao, chiết khấu với đại lý.
"Kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối phát sinh lỗ lớn, nên nguồn lực để chia sẻ cho các thương nhân nhượng quyền, đại lý hoặc thương nhân phân phối không đủ bù đắp các chi phí phát sinh, nhất là trong tháng 7 và 8 khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu", Petrolimex nêu trong văn bản vừa gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Và đây cũng là lý do buộc các đầu mối xăng dầu phải hạ chiết khấu về 0 đồng, khiến các cây xăng bán lẻ gặp lỗ dẫn tới dừng bán hàng và kêu cứu những ngày qua.
Nhằm tránh đứt nguồn cục bộ, Petrolimex đề nghị liên bộ kịp thời điều chỉnh chi phí premium và chi phí vận tải - vốn là các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nhưng chưa được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá 11.7, và bổ sung ngay vào kỳ điều hành 12.9 tới nhằm giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối.
Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra để đảm bảo tất cả thương nhân đầu mối, phân phối phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối. Việc kiểm tra giám sát cần thực hiện ngay từ đầu nguồn nhận hàng từ các nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu thông qua kết nối dữ liệu từ kho của các thương nhân đầu mối.
Trước đó, vào cuối tháng 8, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM và Cần Thơ cũng có văn bản gửi Bộ Công thương và lãnh đạo TP.HCM. Họ cho rằng việc nhà quản lý đưa ra phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở sẽ giúp thương nhân đầu mối không thua lỗ trong thời gian dài, ảnh hưởng đến các thương nhân phân phối và hệ thống đại lý bán lẻ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị việc điều chỉnh giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả vào ngày thứ 7, chủ Nhật và nghỉ lễ, Tết... để giá trong nước không lệch pha quá lớn với thế giới.
Trên thế giới, ngày 3.9, đà giảm của giá dầu thô chững lại. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, dầu thô WTI của Mỹ đóng phiên ngày 2.9 tăng 0,78% lên 87,25%; dầu Brent tiến 0,28% lên 93,28 USD/thùng.
Thị trường vẫn tiếp tục "ngóng" kết quả về sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu thế giới và đồng minh (OPEC+) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5.9. Đó cũng là ngày giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo giá mới của thế giới.
Link nội dung: https://biztoday.vn/gia-xang-dau-hom-nay-392022-petrolimex-de-xuat-loat-giai-phap-tranh-dut-gay-nguon-cung-370118.html