Kết luận thanh tra số 72/KL-TTr cho thấy, tổng số kinh phí bảo trì phải thu đến ngày 31/12/2021 là trên 21,756 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư mới thu và đóng vào tài khoản kinh phí bảo trì trên 18,384 tỷ đồng.
Số tiền còn lại phải thu đối với phần diện tích kinh doanh, thương mại đã bán trên 2,422 tỷ đồng; lãi suất tiết kiệm tiền gửi tạm tính đến ngày 31/12/2021 gần 1 tỷ đồng.
Đối với việc mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì, chủ đầu tư mở tài khoản kinh phí bảo trì không ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn. “Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư” - kết luận nêu.
Chủ đầu tư chưa có thông báo tới cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở chung cư biết về việc thu và gửi kinh phí bảo trì vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014.
Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc phần diện tích khác của nhà chung cư không quy định rõ thông tin về tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (đối với các hợp đồng trước ngày 26/3/2021).
Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, đến thời điểm thanh tra tháng 3/2022, chủ đầu tư chưa đóng kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thương mại số tiền trên 2,422 tỷ đồng.
Chủ đầu tư chưa đóng vào tài khoản kinh phí bảo trì đối với phần diện tích đỗ xe ô tô số tiền trên 537 triệu đồng. Vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 108 Luật Nhà ở năm 2014.
Chủ đầu tư đã sử dụng kinh phí bảo trì để thanh toán việc bảo trì thang máy số tiền trên 64 triệu đồng là vi phạm quy định tại điểm 4 khoản 6 Điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.
Những vi phạm được chỉ ra trên đây, trách nhiệm thuộc chủ đầu tư - Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận.
Đối với việc thành lập ban quản trị nhà chung cư, chung cư được đưa vào sử dụng ngày 22/4/2021 theo Văn bản số 67/GĐ-GDD1/HT của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng. Thế nhưng, đến ngày 24/2/2022, chủ đầu tư vẫn chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị nhà chung cư.
Đến ngày 27/3/2022, chủ đầu tư mới tổ chức thành công hội nghị nhà chung cư lần đầu, bầu ra ban quản trị nhà chung cư nhiệm kỳ 2022 - 2025.
Ngày 3/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành đối với chủ đầu tư về hành vi đóng không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư vào tài khoản đã lập theo quy định đối với diện tích căn hộ, phần diện tích khác mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng theo quy định.
Với những vi phạm, tồn tại được chỉ ra trong kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn Việt Mỹ tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với các phòng, ban, cá nhân để xảy ra các vi phạm đã kết luận.
Đóng phần kinh phí bảo trì đối với diện tích đỗ ô tô vào tài khoản kinh phí bảo trì theo đúng quy định của pháp luật. Tiến hành bàn giao các hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị theo quy định.
Tòa nhà chung cư cao tầng Marina được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 5.000m2, có 35 tầng, 01 tầng hầm và 01 tầng kỹ thuật mái. Từ tầng 1 đến tầng 6 bố trí chức năng thương mại dịch vụ; từ tầng 7 đến tầng 35 bố trí 655 căn hộ để ở.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhieu-vi-pham-trong-viec-quan-ly-su-dung-kinh-phi-bao-tri-370632.html