Hô biến đất “Quốc Phòng”, thành chợ tạm?
Trong thời gian ngắn, hàng vạn khối bê tông, sắt thép được chủ đầu tư huy động từ dưới đồng bằng ngược núi chuyển lên để lắp ghép dựng cột đổ sàn vài trăm mét vuông như tòa nhà kiên cố. Biến thị trấn biển mây Tam Đảo (thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) thơ mộng thành một đại công trường và việc xây dựng diễn ra chóng vánh đến lạ kỳ. Tuy nhiên, khi việc xây dựng đã gần xong thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc tuýt còi tạm dừng vì “quên giấy phép”.
Dù là “chợ tạm” nhưng tên gọi này có vẻ khá khiêm tốn so với bề thế và quy mô của khu vực này. Vài trăm thậm trí cả ngàn mét vuông sàn bê tông, cột thép được chủ đầu tư xây dựng kiên cố trên diện tích hơn 2 nghìn mét vuông. Oái oăm thay, khu vực mà Chủ đầu tư xây dựng lại nằm trên diện tích của Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới (Bộ Quốc phòng).
Qua tìm hiểu được biết, do nhu cầu cấp thiết của người dân đang kinh doanh có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Tam Đảo không có chợ để buôn bán kinh doanh. Vậy nên để giải quyết khó khăn và giải quyết nơi buôn bán kinh doanh cho người dân, Đảng ủy UBND thị trấn Tam Đảo đã phối hợp bàn bạc với Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới (Bộ Quốc phòng) để được sử dụng khu đất 1.800m2 (sau tăng thêm 478,72m2 so với diện tích đất đã giao) của Liên hiệp này làm chợ tạm, bố trí kinh doanh buôn bán cho nhân dân.
Mặc dù, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa chấp thuận về việc xây dựng tất cả các văn bản phản hồi chỉ dừng lại ở việc xem xét địa điểm do khu vực xây dựng chợ nằm trên đất của Bộ Quốc phòng. Hơn nữa, khu vực xây dựng chợ tạm, chủ đầu tư mới chỉ bàn bạc với Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới (Bộ Quốc phòng) để “mượn”, thuê mặt bằng trong thời gian ngắn 2 -3 năm. Thế nhưng, chủ đầu tư đã tự ý xây dựng công trình kiên cố, phân lô ki ốt và bán rầm rộ…
UBND tỉnh Vĩnh Phúc “tuýt còi”
Lật lại đống hồ sơ 2 năm về trước, ngày 07/05/2019, UBND UBND thị trấn Tam Đảo đã có Văn bản số 29/UBND-ĐC-XD gửi UBND huyện Tam Đảo về việc xin ý kiến địa điểm chợ tạm cho nhân dân thị trấn Tam Đảo.
Diện tích khu đất khoảng 1.800m2, giáp khách sạn Mela và khách sạn Sao Mai, thị trấn Tam Đảo. Thời gian “mượn” khoảng 2-3 năm hoặc đến khi đơn vị thông báo giao trả mặt bằng thực hiện dự án. Quy mô, hình thức: San gạt tạm mặt bằng, đổ bê tông hai sàn sau đó dựng nhà lắp ghép (dạng ki-ốt)
Ngày 14/5/2019, UBND huyện Tam Đảo có Công văn số 704/UBND-KTHT gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc: “Thống nhất đề nghị về việc xây chợ tạm của UBND thị trấn Tam Đảo.
Ngày 27/6/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Văn bản số 4751/UBND-CN3 về việc xây dựng chợ tạm cho nhân dân thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo. Nội dung văn bản là đồng ý về nguyên tắc địa điểm bố trí chợ tạm theo đề xuất của UBND huyện Tam Đảo tại Công văn trên. Giao Sở Xây dựng kiểm tra cụ thể về mốc giới, báo cáo UBND tỉnh.
Ngày 9/7/2019, Sở Xây dựng đã tổ chức Hội nghị gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc; UBND huyện Tam Đảo; UBND thị trấn Tam Đảo; Liên hiệp Khoa học sản xuất – công nghệ mới và đơn vị liên doanh để xây dựng chợ tạm. Trong cuộc họp, tất cả các thành viên đều thống nhất việc xây dựng chợ tạm tại vị trí đã nêu là phù hợp, nhu cầu là bức bách và cần thiết. Dù nhu cầu của người dân về việc kinh doanh là cấp thiết nhưng khu vực xây dựng chợ tạm lại nằm toàn bộ trên đất của Bộ Quốc phòng.
Ngoài các Văn bản nêu trên, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc còn có Văn bản 2678/SXD-QHKT ngày 8/8/2019 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nội dung Văn bản thống nhất với việc xây chợ tạm theo mặt bằng đã đề nghị, việc xây dựng chợ tạm là cấp thiết, bức bách phục vụ nhân dân. Đồng thời Sở Xây dựng cũng đề nghị phương án kỹ thuật thực hiện xây dựng chợ nhằm đảm bảo an toàn và dễ tháo dỡ, di dời.
Tuy nhiên, sau khi xem xét cụ thể về vị trí xây dựng nằm trên đất thuộc Bộ Quốc phòng nên chưa chấp thuận cho phép xây dựng công trình thì Chủ đầu tư đã vội vã san gạt và xây dựng ồ ạt trên diện tích nói trên. Cụ thể, ngày 7/1/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản số 100/UBND-CN3 về việc xây dựng chợ tạm cho thị trấn Tam Đảo. Theo đó, vị trí dự kiến xây dựng chợ tạm cho nhân dân thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo là đất quốc phòng. Vì vậy, sau khi Bộ Quốc phòng có ý kiến về khu đất trên, UBND tỉnh sẽ xem xét cho ý kiến cụ thể về việc xây dựng chợ tạm theo đề xuất của đơn vị.
Tiến thoái, lưỡng nan
Sau khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản số 100/UBND-CN3 về việc xây dựng chợ tạm cho thị trấn Tam Đảo khiến chủ đầu tư rơi vào cảnh “tiến thoái, lưỡng nan”. Muốn xây dựng để hoàn thiện “chợ tạm” không được, sớm giao trả mặt bằng ki ốt cũng chẳng xong.
Dù chưa hoàn thiện, nhưng theo tiết lộ của nhiều người dân, tiểu thương đã bỏ ra từ vài trăm đến cả tỷ đồng để “giữ chỗ” vị trí buôn bán trong chợ tạm. Nhiều người dân, tiểu thương “bật khóc” đã bỏ tiền ra mua ki ốt để buôn bán nhưng đến nay vẫn chưa được giao trả mặt bằng để kinh doanh.
Nhưng có lẽ bản thân nhưng người mua ki ốt cũng chưa hiểu rõ bản chất của thuật ngữ “chợ tạm” mà mình đã bỏ tiền ra để đầu tư. Theo đó, khu đất xây dựng chợ tạm thuộc quyền sở hữu của Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới đã được UBND thị xã Vĩnh Yên cấp Chứng nhận cơ sở nghiên cứu thuộc Liên hiệp khoa học sản xuất I Bộ Quốc phòng, được quyền sử dụng 2.005m2 đất tại khu I thị trấn Tam Đảo. Chủ đầu tư đã “mượn” phần đất chưa sử dụng của Liên hiệp Khoa học sản xuất – công nghệ mới để làm chợ tạm cho nhân dân trong thời gian hai năm.
Hết thời gian 2 năm hoặc khi đơn vị thông báo giao trả mặt bằng thì chủ đầu tư phải giao chả mặt bằng và những hộ kinh doanh đã mua ki ốt để buôn bán chính đáng nghiễm nhiên cũng phải thực hiện việc giao trả mặt bằng này. Bỏ ra một số vốn rất lớn nhưng lại nhận được hình thức kinh doanh tạm thời nên việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản tạm dừng xây dựng cũng là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, dù chưa hoàn thiện nhưng nhiều kiot đã tiến hành bày bán hàng hóa, kinh doanh homestay biến khu “chợ tạm” thành bức tranh nhiều màu sắc và hỗn độn.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vinh-phuc-cho-tam-xay-dung-khong-phep-tren-dat-bo-quoc-phong-37141.html