Doanh nghiệp đầu tiên phải kể để là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (Mã: KBC) khi phần lợi nhuận khác chỉ ghi nhận 14 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập là 2.412 tỷ đồng. Điều này dẫn tới lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 200 tỷ đồng, giảm gần 92% so với con số 2.457 tỷ đồng trên báo cáo công bố trước đó.
Giải trình về khoản chênh lệch này, doanh nghiệp cho biết, do trên báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng tự lập, công ty đang thực hiện kế toán ban đầu tạm thời thu nhập từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng.
"Theo các báo cáo này, giá trị hợp lý tài sản thuần của CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng ước tính thận trọng là khoảng 4.805.111 triệu đồng", Kinh Bắc giải trình.
Công ty khẳng định, khoản thu nhập này sẽ không được ghi nhận hay biến mất trên báo cáo tài chính mà sẽ được ghi nhận chính xác sau khi công ty kiểm toán hoàn thành việc soát xét báo cáo định giá độc lập, tức nhiều khả năng công ty sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến này trong báo cáo 6 tháng cuối năm.
Tương tự, CTCP Thaiholdings (Mã: THD) ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 217 tỷ đồng trên báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022, giảm hơn 180 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 45%.
Thaiholdings cho biết công ty có CTCP Tôn Đản Hà Nội được sở hữu chéo bởi Tập đoàn Thaigroup và CTCP Thaiholdings dẫn đến quan điểm giữa kế toán Thaiholdings và đơn vị kiểm toán có sự khác nhau về việc điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ tương ứng cho những thay đổi trong vốn chủ sở hữu của công ty liên kết từ ngày đầu tư (ngày kiểm soát công ty con) đến ngày báo cáo, khi Công ty cổ phần - Tập đoàn Thaigroup thực hiện thoái vốn tại Tôn Đản Hà Nội.
Trường hợp tương tự cũng diễn ra đối với CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) khi lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 sau soát xét bằng khoảng 1/3 con số trong báo tự lập, còn 145 tỷ đồng.
Bên cạnh nguyên nhân là doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 15.935 tỷ đồng, giảm 177 tỷ so với báo cáo tự lập.
Khoản mục biến động lớn nhất trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là doanh thu tài chính với giá trị 344 tỷ đồng sau soát xét, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với báo cáo mà Vietjet tự lập trước đó.
Hãng hàng không của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết một giao dịch thương mại tài chính được hoãn ghi nhận sang kỳ sau, dẫn tới doanh thu tài chính kỳ này bị điều chỉnh giảm sâu.
Trái lại, phần thu nhập khác tăng đột biến từ gần 9 tỷ đồng trong báo cáo tự lập lên 456 tỷ đồng sau khi soát xét. Vietjet không giải trình cụ thể giao dịch tài chính nào được hoãn ghi nhận sang kỳ sau và vì sao thu nhập khác đột nhiên tăng mạnh.
Do những điều chỉnh trên, lợi nhuận sau thuế 6 tháng của Vietjet sau soát xét giảm 66% so với báo cáo tự lập, còn gần 145 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận nửa đầu năm 2022 sau soát xét vẫn tăng trưởng 19%.
Trong diễn biến khác, một số công ty còn từ trạng thái có lãi sang thua lỗ đậm sau kiểm toán. Chẳng hạn, do phải trích lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho khi giá sắt thép liên tục giảm khiến Thép Pomina (Mã: POM) chuyển từ có lãi 8 tỷ sang lỗ 23 tỷ trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh vấn đề nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn là 1.008 tỷ đồng (vốn lưu động âm) cộng với phát sinh khoản lỗ thuần là 23 tỷ tại ngày 30/6 nên kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Thép Pomina.
Tình cảnh tương tự, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 3,2 lần (do trích lập thêm dự phòng nợ phải thu khó đòi và tổn thất đầu tư công ty con) nên CTCP Louis Capital (Mã: TGG) thua lỗ 30 tỷ đồng sau thuế, trong khi trước đó có lãi 5,6 tỷ đồng.
Cũng trong hệ sinh thái Louis Holdings, CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khánh (Mã: VKC) thì lại lỗ đậm hơn sau mùa kiểm toán. Cụ thể, mức lỗ của công ty tăng thêm hơn 166 tỷ đồng, đẩy mức lỗ lên 191 tỷ đồng.
Một trường hợp khá đặc biệt, giảm lỗ sau soát xét đó là CTCP Licogi 14 (Mã: L14). Báo cáo đã kiểm toán cho thấy doanh thu thuần 6 tháng của Licogi 14 giảm 20% về còn 94 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm 94% sau kiểm toán còn 9 tỷ đồng do không còn khoản lãi đầu tư cổ phiếu. Khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh cũng giảm 317 tỷ còn chưa tới 63 tỷ sau soát xét kéo chi phí tài chính giảm 85% còn 64 tỷ đồng.
Kết quả, Licogi 14 chỉ còn lỗ sau thuế 16 tỷ đồng trong 6 tháng sau soát xét, giảm 218 tỷ so với khoản lỗ 234 tỷ đồng ở báo cáo tự lập.
Nguyên nhân chính dẫn tới thay đổi lớn sau soát xét được Licogi 14 giải thích đến từ việc CTCP Đầu tư Tài chính Licogi 14 (LFI) không còn là công ty con của Licogi 14, tức không còn được hợp nhất vào báo cáo tài chính của đơn vị này.
Doanh nghiệp hiếm hoi có lợi nhuận tăng sau kiểm toán là CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR). Cụ thể, tuy doanh thu 6 tháng đầu năm không thay đổi nhưng nhờ giảm trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và doanh thu tài chính tăng sau soát xét nên lợi nhuận sau thuế của BSR tăng tới 223 tỷ so với báo cáo tự lập, lên mức 12.473 tỷ đồng (tức tăng 1,8%).
Mới đây nhất, CTCP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang bị xử phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch số liệu. Tháng 7 vừa qua, Louis Land cũng bị phạt tới 200 triệu đồng hay CTCP One Capital Hospitality (chủ hãng kem Tràng Tiền) cũng bị phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch trong báo cáo tài chính tự lập với báo cáo soát xét.
Trong quá khứ, hàng loạt các doanh nghiệp do lập báo cáo tài chính sai lệch so với báo cáo kiểm toán cũng đã phải nộp phạt như CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HNG), CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã: CII), Camimex Group (Mã: CMX),...
Link nội dung: https://biztoday.vn/loi-nhuan-nhieu-doanh-nghiep-boc-hoi-sau-mua-kiem-toan-372233.html