Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La, qua đó chủ đầu tư được chấp thuận là Công ty CP Cảng Hòn La.
Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La là dự án quy mô "khủng" và có tác động lớn đến sự phát triển của kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình nói riêng, cũng như quốc gia nói chung. Dự án cũng phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Dự án đặt tại Khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Diện tích sử dụng trên 38,8 ha, trong đó đất xây dựng công trình khoảng 25 ha, còn lại 13,8 ha là khu mặt nước biển neo đậu.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn 1 dự kiến thực hiện từ 2022-2024 với kinh phí đầu tư khoảng 940 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ 2025-2026, kinh phí hơn 1.170 tỷ đồng.
Quy mô dự án gồm 4 bến cập tàu, trong đó giai đoạn 1 có 2 bến (1 bến cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT và 1 bến cho tàu có trọng tải đến 100.000 DWT); giai đoạn 2 gồm 2 bến (1 bến cho tàu trọng tải đến 70.000 DWT và 1 bến cho tàu trọng tải đến 100.000 DWT).
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận chủ đầu tư.
Theo Báo Quảng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng nhấn mạnh, Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La là dự án trọng điểm, tiến độ thực hiện dự án theo yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là rất khẩn trương, đòi hỏi sự quyết tâm cao của lãnh đạo các cấp, các ngành và địa phương có liên quan. Để Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La được thực hiện theo đúng quy mô, tiến độ và đúng quy định của pháp luật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan bám sát nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả để cùng với nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án.
Vì ý nghĩa quan trọng của dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La, ông Phan Mạnh Hùng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương liên quan và yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết, tập trung nhân lực, vật lực để triển khai xây dựng dự án đúng quy mô, đảm bảo tiến độ giai đoạn 1 hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý IV/2024 và giai đoạn 2 hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý IV/2026.
Quá trình tuyển chọn nhà đầu tư cho dự án diễn ra khá nhanh. Ngày 11/7, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La.
Theo thông báo này, mục tiêu đầu tư dự án là đầu tư xây dựng khu bến cảng tổng hợp phục vụ cho Khu kinh tế Hòn La, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan; có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng, container và tiếp nhận tàu khách quốc tế.
Trong thông báo mời đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án phải có vốn thuộc sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư, tức xấp xỉ 315 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần có những kinh nghiệm nhất định, đã hoặc đang thực hiện ít nhất 1 dự án cảng biển loại II, có bến quốc tế cho tàu đến 70.000 DWT, với tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án là 2.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, Công ty CP Cảng Hòn La (viết tắt là Cảng Hòn La) được thành lập ngày 20/8/2019, địa chỉ ban đầu ở quận Đống Đa, Hà Nội. Ngày 30/8/2022, doanh nghiệp này chuyển trụ sở về địa điểm mới, chính là vị trí Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình.
Vốn sáng lập theo đăng ký của Cảng Hòn La là 150 tỷ đồng, góp bởi các cá nhân là ông Nguyễn Đức Long (nắm giữ 36% cổ phần), ông Hoàng Minh Tuyến (nắm 8% cổ phần), ông Phùng Văn Phát (nắm 36% cổ phần), ông Phan Văn Điện (nắm 10% cổ phần), ông Nguyễn Nhật Hoàng và bà Nguyễn Thị Huế cùng chia nửa số 10% cổ phần còn lại. Ông Phùng Văn Phát (SN 1977) đảm nhiệm vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị.
Ngày 5/9/2022, tức là trong ngày được UBND tỉnh Quảng Bình trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La, chủ đầu tư trên mới tiến hành đăng ký tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 424 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu, đã có sự khác biệt giữa vốn điều lệ đăng ký và vốn thực góp tại Cảng Hòn La. Số liệu tài chính năm 2021 thể hiện, tại ngày 31/12/2021, vốn góp của chủ sở hữu chỉ ở mức 10 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 150 tỷ đồng đã đăng ký trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong cùng thời điểm.
Vào cuối năm 2021, tài sản ngắn hạn của của Cảng Hòn La là 2,5 triệu đồng, do doanh nghiệp vướng khoản lỗ lũy kế 7,5 tỷ đồng. Quy mô này thậm chí đã bị giảm so với năm 2020, khi đó là 5,5 triệu đồng.
Được biết, Chủ tịch hội đồng quản trị Phùng Văn Phát còn đang đứng tên tại Công ty CP Tư vấn Xây dựng Cảng - Đường thủy - Chi nhánh phía Nam (Tedi Port). Tedi Port có đại bản doanh đặt ở số 278 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, trùng với địa chỉ ban đầu của Cảng Hòn La.
Tiền thân của Tedi Port là một đơn vị của Viện thiết kế Giao thông vận tải (được thành lập từ năm 1962) nay là Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải - CTCP.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông đã ra quyết định số 858/TCCB-LĐ ngày 25/4/1996 về việc thành lập Công ty Tư vấn Xây dựng Cảng - Đường thuỷ và đến ngày 12/10/2006 chuyển thành công ty cổ phần theo Quyết định số 2128/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Hiện Tedi Port đã thoái hết vốn nhà nước, song vẫn là doanh nghiệp cỡ nhỏ với vốn điều lệ 10,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 17 tỷ đồng vào cuối năm 2021, tổng tài sản ở mức 65 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh cũng không có điểm nổi bật, với doanh thu thuần đạt gần 49,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 3 tỷ đồng trong năm 2021.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nang-luc-tai-chinh-cua-chu-dau-tu-du-an-cang-quoc-te-hon-la-hon-2100-ty-dong-ra-sao-372774.html